Trạm cân những ngày cuối năm

00:00 - Thứ Sáu, 08/01/2016 Lượt xem: 1930 In bài viết
ĐBP - So với cuối năm 2014, tình trạng xe chở hàng quá tải lưu thông trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt. Đạt được kết quả một phần là do thời gian qua các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát xe quá tải tại trạm cân, lập đội công tác “cơ động” kiểm tra các xe quá tải chạy vòng, sang chuyển tải. Hơn nữa ý thức chấp hành quy định chở đúng tải của lái xe và các doanh nghiệp chuyển biến rõ rệt.

Cùng lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (Sở Giao thông vận tải) và Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) lăn lội trên nhiều tuyến đường “huyết mạch” của T.P Điện Biên Phủ và điểm dừng chân là nơi đặt trạm cân, chúng tôi mới cảm nhận được nỗ lực vượt khó của các cán bộ, chiến sỹ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xe quá trọng tải trên các cung đường. Những ngày cuối năm trong cái lạnh của mùa đông như cắt da, cắt thịt, ấy vậy mà mỗi ca trực tại trạm cân gồm 6 thành viên lại chen chúc nhau dưới cái dù nhỏ, ai cũng co ro trong những chiếc áo bông to, dầy. Những lúc đặt cân trên đường, các thanh tra viên phải cố gắng để không chợp mắt mặc dù đêm khuya vắng vẻ, lạnh lẽo. Ý thức trọng trách được giao, lực lượng liên ngành phải chia ca triển khai nhiệm vụ suốt 24/24 giờ để kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng xe quá tải vượt trạm.

Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Long, thanh tra viên (Sở Giao thông - Vận tải) cho hay, khi mới đi vào hoạt động trạm cân gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, như bị nghẽn mạch, trục trặc, lỗi đường truyền gây khó khăn cho kiểm tra kết quả cân xe. Ngoài ra, biên chế để trạm cân hoạt động đảm bảo theo quy định phải có ít nhất 6 người/1 ca. Trong khi đó, thanh tra giao thông ngoài việc cân xe còn phải tham gia các cuộc thanh tra hàng năm và triển khai các nhiệm vụ khác. “Đối mặt thời tiết khắc nghiệt, các thành viên thay phiên nhau làm liên tục quả là sự cố gắng vượt bậc. Nhiều lần đi trực khuya về, tôi nằm ngủ cũng chiêm bao thấy… trạm cân”, anh Long thổ lộ.

Lực lượng chức năng kiểm tra xe tải lưu thông trên đường theo quy định.

Trên thực tế, công tác kiểm soát phương tiện quá tải còn nhiều bất cập mặc dù lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông... đã vào cuộc quyết liệt nhưng chưa thể xử lý dứt điểm, nhiều chủ xe có những “chiêu bài” né tránh. Theo báo cáo của Thanh tra Sở, trong năm 2015, đã kiểm tra trọng tải 10.753 xe tải theo quy định, trong đó phát hiện 91 xe vi phạm về tải trọng và hạ tải 120 tấn hàng hóa các loại. Tuy nhiên, 91/10.753 phương tiện vi phạm thì không phải quá nhiều. Ông Bùi Vĩnh Phú, Phó Chánh thanh tra (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: hầu hết các doanh nghiệp và chủ phương tiện đều hiểu nếu chở quá tải cũng sẽ không qua được khỏi trạm cân nên họ đều tuân thủ theo quy định. Nhưng ngược lại cũng còn một số chủ phương tiện lại tìm cách “né” trạm, như chạy vòng đường tránh, sang tải... Những trường hợp đó nếu không có lực lượng liên ngành thì rất khó phát hiện, xử lý. Theo ghi nhận của phóng viên tại các “điểm nóng” về tình trạng xe quá tải, sang chuyển, như đỉnh đèo Cò Chạy... thì dường như các xe đều “án binh bất động” đợi thời cơ “ra tay”.

Để đối phó với hành vi né tránh trạm cân, chuyển tải, chạy vòng của các cánh lái xe, tháng 10/2015, Thanh tra Sở GTVT đã có quyết định 145/QĐ-TTGT về việc thành lập tổ công tác để kiểm tra, phát hiện, phối hợp cùng lực lượng Công an và Thanh tra tại trạm cân ngăn chặn, xử lý các hành vi dừng đỗ phương tiện trái phép trước và sau trạm cân, điều khiển phương tiện vòng tránh trạm cân; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ theo quy định.

Theo ông Bùi Vĩnh Phú: Sau khi thực hiện đặt trạm cân trên các tuyến quốc lộ chính, nhiều doanh nghiệp, lái xe tìm cho mình một cung đường mới, cách xa tầm kiểm soát của lực lượng chức năng. Điển hình như các phương tiện chở hàng hóa, xe các doanh nghiệp muốn đi các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Lay phải đi qua quốc lộ 12. Song vị trí đặt trạm cân trên quốc lộ 12, đoạn qua phường Thanh Trường, nên cánh lái xe đã né đoạn đặt trạm cân bằng cách lựa chọn đoạn đường từ ngã ba hầm Đờ Cát đi qua trung tâm xã Thanh Luông đến Trường Quân sự tỉnh, qua Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc và đâm thẳng ra khu vực nghĩa trang Tông Khao thuộc xã Thanh Nưa huyện Điện Biên để đi. Từ đây cũng xuất hiện một số đối tượng cò mồi hoạt động gần khu vực đặt trạm cân nắm thông tin thời điểm đổi ca để “dắt” lái xe vượt trạm... Cũng theo ông Phú, thông thường thời gian giữa trưa, chập tối và buổi đêm là thời điểm người dân nghỉ ngơi, song đây lại là “khung giờ vàng” của cánh lái xe. Theo họ, đó là thời điểm dễ qua mặt lực lượng chức năng nhất. Tuy nhiên, nắm chắc được tâm lý này, đoàn công tác liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát vào khoảng thời gian này. Qua đó, nhiều vi phạm đã bị phát hiện và xử lý. Sau 2 tháng đi vào hoạt động, tổ công tác đã làm khá hiệu quả, lập 51 biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 chủ phương tiện và đại diện chủ phương tiện... Mặc dù tổ công tác hoạt động rất hiệu quả nhưng theo ông Phú, đây là tổ công tác do Thanh tra Sở đề xuất thành lập, không liên quan đến trạm cân nên nguồn kinh phí đơn vị tự chịu. Nếu duy trì hoạt động 24/24giờ thì sẽ không có kinh phí để trả. Chính vì vậy, các thành viên trong tổ chỉ hoạt động giờ cao điểm hoặc khi có nguồn tin về các xe vi phạm, né tránh trạm cân...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta mới có 3 điểm được chọn đặt trạm cân. Có thể nói, việc đặt trạm cân đã cho thấy nhiều bất cập, vô tình tạo kẽ hở để cho cánh tài xế lách trạm cân, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là nhiều tuyến đường trong thành phố có nguy cơ bị “băm nát”. Nhận thấy các điểm đặt trạm cân trước chưa đáp ứng đủ, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự đã khảo sát thêm 3 điểm đặt trạm cân mới nhằm tránh tình trạng xe né, vòng tránh hoặc chuyển tải. Đó là trên tuyến quốc lộ 12, vị trí dự kiến đặt trạm cân là Km 190+300 (phường Thanh Trường), Km188+300 (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) sẽ kiểm soát được các phương tiện chở hàng từ huyện Điện Biên, T.P Điện Biên Phủ đi các huyện Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Lay... và ngăn chặn được tình trạng xe đi đường vòng tránh trạm cân. Trên quốc lộ 279 đặt tại Km71+300 (phường Him Lam), Km86+910 (khu vực Nà Lơi), Km92+400 (khu vực gần nhà máy Xi Măng), với các vị trí này có thể kiểm soát được xe chở xi măng, vật liệu xây dựng từ Tây Trang lưu thông vào T.P Điện Biên Phủ, đồng thời có thể ngăn chặn được xe quá tải từ các tỉnh dưới xuôi lưu thông vào T.P Điện Biên Phủ. Còn trên quốc lộ 6 sẽ dự kiến đặt tại Km380-Km383 (khu vực thị trấn Tuần Giáo và đèo Pha Đin) với mục tiêu kiểm soát  xe quá trọng tải từ các tỉnh dưới xuôi lên Điện Biên theo quốc lộ 6 và 279. Đây là các điểm đã được liên ngành khảo sát, lựa chọn đầu tư xây dựng điểm đặt trạm cân theo đúng quy chuẩn, đảm bảo yêu cầu về mặt đường rộng, thông thoáng, không gây ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Bằng kinh nghiệm và biện pháp nghiệp vụ, các lực lượng chức năng nói chung và đoàn công tác liên ngành nói riêng đã lần theo dấu vết những xe quá tải, để từ đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên để mục tiêu không còn xe quá tải trọng lưu thông, các ngành chuyên môn cần vào cuộc quyết liệt, bố trí đầy đủ lực lượng, có sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một trong những giải pháp không kém phần quan trọng giải quyết từ gốc rễ đó là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho các chủ xe, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải ý thức trong việc bốc xếp hàng hóa đúng tải trọng quy định. Có làm tốt những giải pháp trên, mới phần nào hy vọng mục tiêu kiểm soát tải trọng xe đảm bảo giao thông đem lại hiệu quả.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top