Vụ khởi tố hành vi phá rừng ở huyện Mường Chà

Trăn trở người trong cuộc

00:00 - Thứ Hai, 11/01/2016 Lượt xem: 2339 In bài viết
ĐBP - Sáng một ngày cuối năm 2015, những cơn mưa phùn ở Mường Chà làm cảnh vật thêm u ám, buốt lạnh. Bên tách trà nóng, ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà khá trầm ngâm khi nói về một vụ phá rừng tại bản Háng Lìa, xã Sa Lông mà Viện Kiểm sát nhân dân huyện vừa ra quyết định khởi tố. Nén tiếng thở dài, ông Đinh Xuân Tiến khẽ nói: “Căn cứ chứng cứ đang có, cơ quan chức năng xử lý như vậy là đúng người, đúng tội, đúng chức trách. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn thấy thương cho các hộ vi phạm, vì nghèo, vì không đủ ăn, đủ mặc, vì cả thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật…”

Những trăn trở…

Theo địa chỉ mà ông Đinh Xuân Tiến cung cấp, chẳng khó khăn mấy chúng tôi tìm được nhà anh Lý A Chu (1 trong 3 trường hợp vi phạm bị xử lý), ở bản Háng Lìa, xã Sa Lông. Nhà Chu nhỏ, tuềnh toàng, trên khoảng đất mới được san gạt. Trời rét như “cắt da cắt thịt”, vậy mà 3 con gái nhỏ của Chu vẫn chân trần, đứa mặc áo không quần, đứa mặc quần không áo vô tư nghịch đất trước cửa nhà. Nhà nghèo, cái nghèo từ trong trứng nước, làm không đủ ăn, không đủ trang trải cuộc sống.

Nương phát làm ruộng bậc thang xâm hại vào rừng phòng hộ của gia đình ông Lý Xà Giàng. Ảnh: Dức Duy

Trong ngôi nhà vách đất rộng chừng 20m2, tài sản lớn nhất của gia đình Chu là 2 chiếc giường xiêu vẹo dành cho 5 người, Lý A Chu bắt đầu kể lại câu chuyện khiến gia đình anh vướng vào vòng lao lý. Đầu năm 2015, khi thấy công trình Thủy lợi Hồ Sỹ Dính hoàn thành đưa vào sử dụng, Lý A Chu, Lý Xà Giàng (bố đẻ Chu), Lý Sông Vàng (bác ruột Chu) cùng một số người dân bản Háng Lìa rủ nhau lên khu vực Hồ Sỹ Dính phát nương, khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa nước. Đấy là nương cũ của người dân bản Háng Lìa nhưng đã bỏ hoang cách đây trên 10 năm vì thiếu nước. Khi người dân bản Háng Lìa đi phát nương, chính quyền xã Sa Lông biết nhưng không có ý kiến hay biện pháp ngăn chặn, chỉ đến khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, đình chỉ, tịch thu phương tiện, tang vật và ra quyết định xử phạt thì họ mới biết mình vi phạm pháp luật. Trong số hơn 10 hộ của bản Háng Lìa đi phát nương chỉ có 3 hộ: Lý A Chu, Lý Xà Giàng và Lý Sông Vàng bị xử lý vì phát nương xâm phạm vào khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, trạng thái IIA. Lý A Chu và Lý Sông Vàng bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng/hộ; Lý Xà Giàng bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam về tội “hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 189, Bộ luật Hình sự.

Chăm chăm nhìn bếp lửa đang dần lụi, Lý A Chu buồn bã nói: “Từ ngày nhận quyết định xử phạt, gia đình em khốn đốn hơn nhiều. Bố bị bắt tạm giam đã mấy tháng, đêm nào mẹ em cũng khóc vì nhớ và thương bố. Còn gia đình em thì không biết lấy đâu tiền nộp phạt”.

Lý A Chu còn nói thêm với chúng tôi chuyện cuối tháng 11/2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2014, gia đình em được 508.000 đồng nhưng bị UBND xã trừ luôn vào tiền nộp phạt rồi. Số tiền còn lại nếu không lo nộp sớm thì nhà Chu sẽ bị cưỡng chế, đến lúc không biết sẽ đi về đâu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Năm nay, số vụ xử lý vi phạm, khởi tố hình sự liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Mường Chà tăng đột biến, điều đó không có nghĩa là tình trạng “phá rừng” tăng lên mà điều này phản ánh cơ quan chuyên môn, chính quyền có sự siết chặt, nâng cao hơn trong quản lý, bảo vệ rừng. Qua theo dõi những năm gần đây, bản Háng Lìa là địa bàn phức tạp nhất về tình trạng phá rừng nên cần xử lý nghiêm một vài vụ điểm để răn đe. Quan điểm của Hạt là “sai đến đâu xử đến đấy cho dù là bất kỳ ai”. Tuy nhiên, việc xử lý đối với 3 trường hợp tại bản Háng Lìa, thì Hạt cũng có nhiều đắn đo. Bởi vì các hộ này đều thuộc diện hộ nghèo, tài sản trong nhà không có gì đáng giá nên khi áp dụng các hình phạt đối với các gia đình này là điều “cực chẳng đã” nhưng đành phải chấp nhận, bởi vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.

… Và những sẻ chia

Với tập quán sản xuất luân canh từ lâu đời của người dân tộc Mông thì việc phát nương diễn ra thường xuyên, liên tục qua các năm. Song việc người dân quay trở lại phát nương cũ đã bỏ hoang cách đây hơn 10 năm thì ắt phải có nguyên nhân hoặc sự đổi thay tích cực nào đó.

Đầu tiên, đó là sự xuất hiện của công trình Thủy lợi Hồ Sỹ Dính. Công trình Thủy lợi Hồ Sỹ Dính bao gồm: Đập đầu mối và hệ thống kênh mương dẫn nước dài 1km được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng với năng lực tưới cho khoảng 24ha. Công trình này đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của người dân bản Háng Lìa trong nhiều năm qua. Có nước tưới cho khu vực nương cũ nên người dân Háng Lìa đua nhau đi phát nương, đợi nước về để khai hoang ruộng bậc thang mà không lường trước hậu quả. Ông Hồ Khoa Chía, Bí thư Chi bộ bản Háng Lìa (một trong số những hộ đi phát rừng) thừa nhận: Đầu năm 2015, tôi cùng hơn 10 hộ nữa đi phát rừng làm nương, khai hoang ruộng bậc thang tại khu vực Hồ Sỹ Dính. Đây đều là diện tích nương cũ của bà con đã bỏ hoang từ lâu, nay có nước nên đi khai hoang lại. Chúng tôi nghĩ rằng, Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi chắc là khai hoang, phát nương được. Chúng tôi tự làm chứ không được sự hướng dẫn của chính quyền, cơ quan chuyên môn về vị trí, địa điểm có hoặc không thể phát nương. Nếu không có công trình thủy lợi thì chúng tôi sẽ tiếp tục bỏ hoang, không bao giờ đi phát nương ở khu vực này.

Đối với trường hợp các hộ: Lý A Chu, Lý Xà Giàng và Lý Sông Vàng cũng vậy. Cuộc sống nghèo khó, không có ruộng nước, thiếu đất nương để sản xuất nên khi có một công trình thủy lợi đi ngang nương cũ mà chỉ tốn khoảng 200m ống dẫn nước về là có thể khai hoang, sản xuất lúa nước thì tội gì không làm. Ông Lý Sông Vàng cho biết: Những diện tích nương ở vị trí đẹp, thuận lợi thì đã góp đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên từ năm 2008 (2 bố con Lý A Chu, Lý Xà Giàng góp 31.000m2; Lý Sông Vàng góp 35.000m2 - PV) nên chỉ còn lại những mảnh nương xa, bạc màu, kém hiệu quả. Năm 2015, công trình Thủy lợi Hồ Sỹ Dính được đầu tư, thấy người dân trong bản đi phát nương khai hoang tôi cũng đi phát nhưng ai ngờ phát đúng vào diện tích đất quy hoạch trồng rừng nên bị các cơ quan chức năng xử lý.

Đầu tư công trình thủy lợi để người dân khai hoang mở rộng diện tích canh tác là điều tốt, cần phát huy, song vì công trình này mà chính người dân lại vi phạm pháp luật thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Trước hết là do người dân có trình độ thấp, thiếu hiểu biết pháp luật, sau đó là vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân khai hoang nhằm phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi. Trong trường hợp này, chính quyền xã biết người dân trong bản đi phát nương nhưng đến khi lực lượng kiểm lâm phát hiện mới biết người dân vi phạm. Trong khi đó, Mường Chà là huyện đầu tiên hoàn thành công tác giao đất, giao rừng theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh; rừng ở bản Háng Lìa đã được giao cho bản quản lý, có quy ước, hương ước quản lý bảo vệ rừng và được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhưng người dân vẫn không xác định được khu vực nào là diện tích rừng cần bảo vệ, khu vực nào thuộc đất sản xuất. Ông Lý A Sùng, Trưởng bản Háng Lìa cho biết: “Mặc dù bản đã được giao đất, giao rừng nhưng chúng tôi không thể xác định ranh giới giữa diện tích đất rừng với đất sản xuất. Trường hợp 3 hộ trong bản bị xử lý về tội phá rừng cũng xuất phát từ nguyên nhân này”.

Thiết nghĩ, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở đâu cũng vậy, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát rừng và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Nhưng nói đi cũng phải nghĩ lại, đối với những trường hợp, điều kiện cụ thể, các cơ quan chức năng nên có những chế tài xử phạt khác nhau để vừa mang tính chất giáo dục răn đe vừa thể hiện tính độ lượng, khoan hồng của pháp luật. Ví dụ như, năm 2013, 17 hộ dân bản Na Hai 1, xã Pom Lót (huyện Điện Biên) cũng vì thiếu đất sản xuất đã phá 8,3ha rừng phòng hộ của huyện. Với mức vi phạm này quá đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm nhưng chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Điện Biên đã thống nhất không truy cứu trách nhiệm hình sự, thay vào đó người dân bản Na Hai 1 phải góp tiền mua cây giống trồng lại rừng và cam kết thực hiện đúng việc xử phạt hành chính. Đến nay, rừng ở bản Na Hai 1 đã xanh tốt, người dân có ý thức quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Trường hợp bản Háng Lìa, xã Sa Lông cũng vậy, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Mường Chà nên chăng tạo điều kiện cho các hộ dân “khốn khổ” một lối thoát để họ vừa thực hiện trách nhiệm với pháp luật nhưng vẫn có thể tự do lao động sản xuất, trang trải cuộc sống gia đình?

Phạm Dương – Phạm Trung
Bình luận
Back To Top