Vấn đề tuần này

Cần quản lý tốt quy hoạch

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 2741 In bài viết
ĐBP - Trong một lần làm việc gần đây, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh nói rằng: Trên cơ sở tham mưu của ngành GT - VT tỉnh, UBND tỉnh đã trình Bộ Giao thông - Vận tải xin được phép nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ, huyện lộ có yếu tố quan trọng về phát triển KT - XH, đảm bảo QP - AN tại địa phương.

Sau khi nghiên cứu các văn bản, tờ trình, Bộ Giao thông - Vận tải đồng ý phương án và cho phép chuẩn bị đầu tư xây dựng các dự án trên tuyến quốc lộ 12 kéo dài và quốc lộ 4H bằng nguồn vốn trung hạn của Bộ GT - VT giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh các đề xuất, kiến nghị của ngành, của tỉnh được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận, theo ông Nguyễn Đình Giang, thì để các dự án thi công được thuận lợi trong thời gian tới, chúng ta cần quản lý tốt quy hoạch. Chúng tôi hiểu băn khoăn, lo lắng của vị lãnh đạo đứng đầu ngành GT - VT tỉnh rằng: nếu không quản lý tốt khâu quy hoạch, người dân hay một tổ chức nào đó sẽ "té nước theo mưa" xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc... hai bên hành lang giao thông. Để khi Nhà nước đầu tư mở đường sẽ yêu cầu tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, gây tốn kém.

Lo lắng của ông Nguyễn Đình Giang không phải không có cơ sở, khi rất nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Với những dự án mở mới, Nhà nước phải trưng dụng đất của dân là điều đương nhiên. Nhưng cũng có những công trình, dự án trong quá trình chuẩn bị thi công, có không ít hộ dân "nhảy dù" vào xây nhà, trồng cây cối, hoa màu... trong diện tích đất đã quy hoạch để đòi tiền đền bù, hỗ trợ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều công trình, dự án thi công chậm tiến độ, thi công năm nọ tới năm kia vẫn không hoàn thành, đã đội tổng mức đầu tư lên cao.

Mới đây, chúng tôi có dịp đi trên tuyến quốc lộ 279 (đoạn từ C17, xã Thanh Xương đến xã Pom Lót, huyện Điện Biên), thấy hai bên đường có nhiều nhà dân mới mọc lên. Điều đáng nói, những ngôi nhà này xây dựng trong chỉ giới hành lang đường bộ đã được cắm mốc hẳn hoi. Họ lấn chiếm hành lang giao thông bằng cách: đổ đất, đá thải cạnh quốc lộ, có hộ vây một khoảnh đất làm nơi để ve chai, phế thải, sắt vụn... một vài năm, rồi dần dần lấn đất xây nhà. Cũng hai bên tuyến đường này, nhiều chỗ đã thành nơi đổ vật liệu phế thải, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Quốc lộ 279 đoạn tuyến nói trên đã được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận cho đầu tư, nâng cấp trong giai đoạn 2016 - 2020. Không lâu nữa, khi được bố trí vốn, chúng ta sẽ tiến hành cải tạo, nâng cấp tuyến đường này. Và một điều chắc chắn rằng, khi mở đường kiểu gì cũng động vào đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc của những hộ dân 2 bên. Khi đấy bà con sẽ yêu cầu Nhà nước phải đền bù, hỗ trợ. Nếu không được đáp ứng thì gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu, không cho doanh nghiệp đưa các phương tiện máy móc vào thi công.

Do vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không chỉ đối với các công trình, dự án nêu trên mà ở tất cả mọi dự án, chúng ta cần quản lý tốt khâu quy hoạch. Không nên để người dân tự ý xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc trái phép trên đất đã quy hoạch. Quản lý tốt quy hoạch, sẽ giúp quá trình triển khai dự án thuận lợi, Nhà nước cũng đỡ tốn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng; hạn chế khiếu kiện trong nhân dân...

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top