Xu hướng nhập siêu

00:00 - Thứ Hai, 18/01/2016 Lượt xem: 2758 In bài viết
Sau ba năm liên tiếp xuất siêu, năm 2015 vừa qua, cán cân thương mại nước ta quay trở lại trạng thái nhập siêu với mức 3,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 20,3 tỷ USD, còn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu 17,1 tỷ USD.

Nhìn lại 5 năm 2011 - 2015, có những năm xuất siêu, có năm nhập siêu nhưng nhìn chung, hoạt động xuất khẩu của cả nước có xu hướng tăng nhanh hơn nhập khẩu. Đến năm 2015, xuất khẩu chiếm 89,78% GDP, còn nhập khẩu chiếm 88,99% GDP; trong khi năm 2011, xuất khẩu chỉ chiếm 79,39% GDP, còn nhập khẩu chiếm tới 83,52% GDP. Mặc dù vậy, điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất nhập khẩu 5 năm qua chính là xu hướng nhập siêu là chủ yếu. Một số thị trường trước kia Việt Nam xuất siêu thì nay lại đang có xu hướng nhập siêu, thí dụ như thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu thì năm 2015 nhập siêu hơn 300 triệu USD. Tương tự, Hàn Quốc cũng đang trở thành thị trường mà Việt Nam có xu hướng nhập siêu.

Năm 2016, Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng với việc ký kết và thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu. Kỳ vọng xuất siêu vào thị trường các đối tác ký FTA với Việt Nam là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, xu hướng nhập siêu tại một số thị trường trong năm vừa qua cảnh báo nếu chúng ta không biết tranh thủ, nắm bắt cơ hội khai thác thị trường để mở rộng xuất khẩu thì nguy cơ bị các đối tác biến thành thị trường nhập siêu là có thể xảy ra. Chẳng hạn, năm 2015, Việt Nam đã ký FTA với Hàn Quốc và Hiệp định này có hiệu lực từ ngày 20-12-2015. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế ngay hoặc trong thời gian ngắn cho các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc để phục vụ sản xuất; như với nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu từ Hàn Quốc, Việt Nam cam kết đưa hầu hết thuế suất xuống còn 0% trong thời gian từ khi hiệp định có hiệu lực đến năm 2018.

Năm nay, mục tiêu kiểm soát nhập siêu được đặt ra với tỷ lệ nhập siêu dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu này, chúng ta không thể chủ quan trước xu hướng nhập siêu của những thị trường trong các FTA. DN trong nước có nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ các ưu đãi thuế quan theo các FTA nhưng nếu trong nước không có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đủ mạnh thì hoạt động xuất khẩu khó có thể tăng nhanh hơn nhập khẩu trong thời gian tới.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top