Hiệu quả phát triển kinh tế rừng ở Thanh Minh

00:00 - Thứ Tư, 20/01/2016 Lượt xem: 1840 In bài viết
ĐBP - Qua lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ Nguyễn Thị Ngát, chúng tôi không mấy khó khăn để tìm đến trang trại của anh Nguyễn Xuân Tuyến, bản Co Củ, hộ có diện tích rừng sản xuất lớn nhất xã. Hiện nay, gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến có trang trại rộng khoảng 40ha, gồm: 5ha ao nuôi cá thương phẩm; 20ha rừng cây keo và cây dổi mỡ; diện tích còn lại là rừng khoanh nuôi tái sinh.

Anh Tuyến cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ tập trung nuôi cá thương phẩm. Đến năm 2010, tôi mới mua cây giống về trồng rừng, trước là để phủ xanh đất trống cho trang trại, giữ nước để phát triển nuôi trồng thủy sản, sau đó mới tính đến việc khai thác bán gỗ ra thị trường. Mới đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn, vì thiếu kinh phí mua cây giống và vướng mắc trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Được chính quyền xã quan tâm, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay, toàn bộ 40ha trang trại đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hơn 20ha cây keo, cây dổi mỡ đã đến kỳ thu hoạch. Cuối năm 2015, Công ty chế biến gỗ Hoàng Lâm (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) đến hỏi mua nhưng do chưa thỏa thuận được mức giá nên tôi chưa bán”. Theo anh Tuyến thì, cây keo, cây dổi mỡ là những giống cây dễ trồng, tốn ít chi phí chăm sóc và còn tạo đạm, cải tạo đất. Hiện rừng keo, dổi mỡ của gia đình anh Tuyến trị giá hàng tỷ đồng.

Rừng cây keo của gia đình anh Nguyễn Xuân Tuyến, bản Co Củ, xã Thanh Minh, TP. ĐiệnBiên Phủ.

Phát triển kinh tế theo hướng trồng rừng sản xuất không những nâng cao thu nhập mà còn có tác dụng giữ nước, giúp gia đình anh Tuyến thuận lợi trong phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhờ trồng rừng nên lượng nước từ các khe, suối dồi dào, năm 2014, anh Tuyến mở thêm 1 ao nuôi cá rộng gần 2ha, nâng tổng diện tích ao nuôi cá lên trên 5ha. Ngoài ra, anh Tuyến còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là người dân trong bản để chăm sóc, bảo vệ rừng, với mức lượng 4 triệu đồng/tháng và 20 - 30 lao động thời vụ khi đến mùa phát tán rừng hoặc thu hoạch cá, góp phần tạo thu nhập cho người dân địa phương.

Ở bản Co Củ còn có gia đình anh Nguyễn Công Hải cũng phát triển kinh tế rừng với diện tích 15ha. Gia đình anh Hải phát triển kinh tế rừng từ năm 2002 đến nay với 3 loại cây chủ đạo là: tre (12ha), keo (2ha) và muồng. Cây tre thì cho thu hoạch hàng năm, chủ yếu bán cho các doanh nghiệp làm cọc chống xây dựng. Đối với cây keo thì mới cho thu hoạch từ năm 2010, cũng chỉ bán cho người dân trong bản để dựng nhà là chủ yếu. Mỗi năm, trừ chi phí chăm sóc, khai thác, gia đình anh Hải thu lợi nhuận khoảng 120 – 150 triệu đồng từ khai thác gỗ rừng trồng. Anh Hải chia sẻ: Phát triển kinh tế rừng vừa tăng thu nhập vừa có tác dụng bảo vệ môi trường. Nhà đất rộng không trồng rừng thì cũng để không, rất lãng phí. Tuy trồng rừng sản xuất có nhiều lợi ích nhưng có một khó khăn đối với các chủ rừng hiện nay là đầu ra sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm gỗ chủ yếu được tiêu thụ theo hình thức bán lẻ. Các chủ rừng chưa kết nối được với công ty, doanh nghiệp chế biến gỗ nên quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm phải kéo dài, ảnh hưởng đến việc trồng mới rừng.

Bà Nguyễn Thị Ngát, cho biết thêm: Những năm gần đây, xã đang khuyến khích người dân phát triển kinh tế theo hình thức trồng rừng sản xuất, vừa tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và làm tăng độ che phủ rừng của xã. Để phong trào này được lan tỏa, hàng năm, UBND xã thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra, xã lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân về cây giống phát triển rừng. Hiện nay, các chủ rừng đang gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ chú trọng công tác kết nối với các công ty, doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh để giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế rừng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top