Triển vọng xuất nhập khẩu qua biên giới

00:00 - Thứ Sáu, 22/01/2016 Lượt xem: 3480 In bài viết
ĐBP - Năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa, dịch vụ và hoạt động thương mại biên giới của Điện Biên ước 43 triệu USD, đạt 119% so với kế hoạch năm, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước… Con số này cũng phần nào cho thấy, Điện Biên đã nỗ lực khai thác các hoạt động thương mại biên giới, từng bước phát huy tiềm năng kinh tế cửa khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, trên tuyến biên giới Việt - Lào có 4 cặp cửa khẩu: Cặp cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (huyện Điện Biên) - Pang Hốc (huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly), cặp cửa khẩu Quốc tế Huổi Puốc (huyện Điện Biên) - Na Son (huyện Phôn Thong, tỉnh Luông Pra Băng), cặp cửa khẩu phụ Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) - Huổi Lả (huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly) và Nà Bủng (huyện Điện Biên) - Lao Phu Chai (Phoong Sa Ly). Đặc biệt, trên tuyến biên giới Việt - Trung có 1 lối mở A Pa Chải (huyện Mường Nhé) - Long Phú (huyện Giang Thành, T.P Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam).

Hoạt động thương mại qua lối mở A Pa Chải khá tấp nập.

Thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa 2 nước, những năm qua, Điện Biên đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào. Hai bên quan tâm đầu tư, xây dựng các cửa khẩu, khu kinh tế và vận động doanh nghiệp mở văn phòng đại diện để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Vào các ngày mùng 3, 13, 23 hàng tháng chợ phiên biên giới, thu hút thương gia hai nước mua bán và trao đổi hàng hóa. Đặc biệt, để phát triển kinh tế biên mậu giữa hai bên, từ tháng 7/2015, Chính phủ đã tạo điều kiện cho Điện Biên triển khai thí điểm cơ chế chính sách XNK tái xuất hàng hóa qua lối mở A Pa Chải. Tỉnh cũng đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Mường Nhé triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình mặt bằng chợ phiên biên giới A Pa Chải tại Sín Thầu. Từ cuối tháng 12/2015 đã tiến hành san ủi mặt bằng để xây dựng công trình. Về phía Trung Quốc, khu vực lối mở Long Phú cũng được san ủi và tiến hành xây dựng chợ biên giới để đáp ứng nhu cầu giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa với Việt Nam. XNK hàng hóa và tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua lối mở A Pa Chải là hoạt động rất cần thiết, cho phép khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thúc đẩy XNK, tạm nhập tái xuất hàng hóa, phát triển kinh tế biên mậu, tạo động lực thu hút đầu tư vào lối mở. Đến chợ phiên A Pa Chải dễ dàng nhận thấy những thay đổi từ cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa tại lối mở cũng tấp nập, đông vui hơn.

Trên cơ sở biên bản ghi nhớ ký kết thường niên hoạt động thương mại biên giới, trao đổi hàng hóa giữa Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào được đặc biệt quan tâm với chính sách ưu đãi thuế XNK. Với những lợi ích từ hoạt thương mại qua biên giới mang lại, năm 2015, tổng kim ngạch XNK hàng hóa, dịch vụ và hoạt động thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh ước 43 triệu USD, đạt 119% so với kế hoạch năm, tăng 28 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ước đạt 27 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Với những mặt hàng chủ yếu là Xi măng Điện Biên, xe máy các loại, vật liệu xây dựng, ngoài ra còn một số nông sản, hàng may mặc, đồ gia dụng và hàng hóa khác. Hàng hóa nhập khẩu  năm 2015 ước đạt 16 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là máy móc, thiết bị cơ điện phục vụ cho xây dựng thủy điện, nông lâm sản, đồ gia dụng và hàng hóa khác...

Thời gian tới, để hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, tỉnh ta và các tỉnh Bắc Lào sẽ xúc tiến tổ chức các chợ phiên biên giới tại các khu vực Nà Hỳ - Nà Khoa, Si Pa Phìn - Huổi Lả trên tuyến biên giới Điện Biên và tỉnh Phoong Sa Ly. Đẩy mạnh đầu tư phát triển toàn diện kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong đó tập trung cho các doanh nghiệp đẩy mạnh XNK những mặt hàng lợi thế, hàng truyền thống.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top