Đổi thay Pa Thơm

00:00 - Thứ Hai, 25/01/2016 Lượt xem: 3322 In bài viết
ĐBP - Đường vào Pa Thơm (huyện Điện Biên) những ngày cuối năm như gần hơn. Chúng tôi qua những nương ngô, thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như ôm trọn từng nếp nhà cheo leo bên sườn núi. Sáng sớm ở Pa Thơm, sương mù giăng kín bản làng, nhưng chỉ đến giữa buổi, nắng lại ngập tràn lưng núi.

Nói về sự đổi thay ở Pa Thơm hôm nay, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đảng bộ, chính quyền xã đã đề ra nhiều giải pháp rút ngắn lộ trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gắn với đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trọng tâm là chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, tạo bước đột phá trong quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo. Giải pháp được đặt ra là quy hoạch và thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất lúa, ngô thâm canh cao, chăn nuôi gia súc hàng hóa theo quy mô trang trại vẫn dựa trên phương thức sản xuất của nông hộ, nhưng nâng cao tổng khối lượng nông sản, thực phẩm hàng hóa, trong đó loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hiệu quả kinh tế cao chiếm tỷ trọng ưu thế.

Một góc bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm.

Với những giải pháp cụ thể, phù hợp thực tế địa bàn cùng với tinh thần đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, lao động cần cù, sáng tạo nên kinh tế của xã ngày một tăng trưởng. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Pa Thơm đã được đầu tư xây dựng nâng cấp kênh mương nội đồng với tổng chiều dài gần 800m, các công trình thủy lợi giúp nhân dân mở rộng diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ lên gần 100ha. Đến nay, tổng diện tích trồng cây lương thực toàn xã đạt gần 300ha. Trong đó, diện tích lúa vụ mùa 57ha, năng suất 52 tạ/ha; lúa nương 64ha, năng suất đạt 20 tạ/ha; diện tích trồng ngô đạt 76ha... Tổng sản lượng lương thực đạt gần 800 tấn/năm; lương thực bình quân đầu người 635kg/người/năm... Thu nhập bình quân toàn xã ước đạt 4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2011. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có hơn 15.000 con, trong đó đàn bò hơn 600 con, đàn lợn hơn 1.000 con... Giờ đây, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều nông dân làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng/năm từ các mô hình kinh tế tổng hợp, như: trang trại, vườn rừng, chăn nuôi gia súc.

Nhiều công trình hạ tầng cơ sở được ưu tiên đầu tư: Hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng khá hiện đại; nước sạch về đến hầu hết các thôn, bản, hộ gia đình; đường giao thông được bê tông hóa. Trong đó, mới đây nhất là công trình làm đường vào bản Huổi Moi nối từ bản Pa Thơm, góp phần thu hẹp khoảng cách về kinh tế, văn hóa, xã hội; 80% hộ có điện sinh hoạt, ti vi và xe máy; 98% số hộ gia đình có nhà lợp ngói, prôximăng. Hàng năm, xã có 100% số trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp; 100% số trẻ 6 tuổi vào lớp 1; số học sinh chuyển lớp, chuyển cấp đạt từ 95%... Cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 33,6%. Số hộ nghèo giảm nhanh phải kể đến vai trò rất quan trọng của chi bộ các thôn, bản đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của các đảng viên trong việc lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết của Đảng bộ huyện, Đảng bộ xã trong việc thực hiện xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top