Vấn đề hôm nay

Cạnh tranh lành mạnh

00:00 - Thứ Ba, 26/01/2016 Lượt xem: 2147 In bài viết
ĐBP - Kinh tế thị trường thì phải cạnh tranh lành mạnh. Đây là sân chơi phù hợp cho bất cứ ai có nhu cầu, điều kiện mở mang ngành nghề, hình thức kinh doanh, nhất là kinh doanh các mặt hàng thương mại.

Càng gần đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều chủ đại lý, cửa hàng lớn nhỏ tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại... bày bán nhiều mặt hàng phục vụ Tết. Khảo sát thị trường cho thấy, hàng hóa năm nay đa dạng, phong phú, giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đến nay phần lớn các mặt hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, bia rượu... đều được sản xuất trong nước. Hỏi ý kiến người tiêu dùng, bà con cho rằng: hàng sản xuất trong nước chất lượng khá tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều về việc hàng Trung Quốc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với hàng may mặc, họ dùng thuốc nhuộm có chứa chất độc dẫn tới bệnh ung thư nên ai nấy đều rất lo lắng, từ đó không mặn mà với hàng Trung Quốc.

Có thể nói, sau thời gian dài thực hiện cuộc vận động "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt", phần lớn người dân đã nhận thấy lợi ích của việc dùng hàng sản xuất trong nước. Với các cửa hàng kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh cũng nhập ngày càng nhiều mặt hàng sản xuất trong nước. Tại Siêu thị Hoa Ba, phần lớn các mặt hàng bày bán do Việt Nam sản xuất. Những ngày cận Tết, hàng hóa bày bán càng phong phú, đa dạng. Để không khan hàng, sốt giá trong những ngày cận Tết, Siêu thị nhập về lượng hàng tăng khoảng 20 - 30% so với dịp bình thường. Siêu thị Hoàng Nga, Siêu thị Bình An... cũng đã có kế hoạch dự trữ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết đến xuân về.

Điều vui mừng là vậy, tuy nhiên, dạo qua thị trường, thấy nổi lên hình thức kinh doanh không lành mạnh. Cụ thể, nhiều cửa hàng, kể cả siêu thị mới mở, họ tổ chức các chương trình khuyến mại giảm giá nhằm thu hút, mời gọi khách hàng, nhưng sai Luật Thương mại. Với các điểm bán hàng kiểu này, người dân thường mua được một mặt hàng giảm giá (thấp hơn giá nhập từ nhà máy). Tuy nhiên, khi đặt vấn đề muốn mua nhiều mặt hàng trở lên cùng loại thì chủ cửa hàng, siêu thị lại không bán. Chủ một siêu thị uy tín lâu năm ở T.P Điện Biên Phủ phân tích: Nếu cạnh tranh lành mạnh thì họ có thể bán nhiều sản phẩm cùng loại cho khách hàng, chứ sao lại chỉ bán 1 sản phẩm. Theo chủ siêu thị này thì gần đây có nhiều người tìm đến mua hàng, họ hỏi giá hết sản phẩm này đến sản phẩm khác. Khi được nhân viên siêu thị thông báo giá bán, tính tiền thì họ kêu rằng, đắt hơn ở cửa hàng này, siêu thị kia. Động cơ là để cho nhiều người đang mua hàng tại siêu thị biết giá bán các mặt hàng tương tự của siêu thị này đắt hơn siêu thị kia, từ đó khách hàng từ chối không mua nữa. Vị giám đốc siêu thị kể: Cách đây mấy hôm, có người đến hỏi mua bia. Khi nhân viên tính giá 270.000 đồng/két thì họ gào lên là ở siêu thị cạnh đây chỉ bán 265.000 đồng/két, sao chỗ này bán giá cao hơn. Thế là họ trả hàng và đi nơi khác. Trước khi đi còn nói thêm mấy câu đại loại là đến siêu thị này, cửa hàng nọ mà mua. Nơi đó mới khai trương nên giảm giá nhiều lắm!...

Xã hội phát triển, các của hàng, hình thức kinh doanh thương mại cũng phát triển, mở rộng theo. Muốn đứng vững trong cơ chế thị trường thì phải có chiến lược kinh doanh hợp lý, dài hơi. Tuy nhiên, trong cạnh tranh phải lành mạnh, sòng phẳng. Không nên kinh doanh theo kiểu chộp giật, lùa lọc khách hàng. Để bảo hộ, cũng là chỗ dựa vững chắc cho mọi thành phần, đối tượng tham gia kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc, kiểm tra, giám sát thường xuyên. Không nên để các cơ sở, đơn vị khuyến mại, giảm giá theo kiểu "phá giá thị trường", vi phạm quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến những người làm ăn lương thiện, uy tín.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top