Để người dân gắn bó với rừng

00:00 - Thứ Sáu, 04/03/2016 Lượt xem: 2282 In bài viết
ĐBP - Huyện Điện Biên Đông hiện có trên 380.000ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ đạt khoảng 40% với phần lớn diện tích là rừng non, rừng tái sinh. Trong khi địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao; điều kiện kinh tế của người dân sống ven rừng còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế... thì vấn đề để người dân gắn bó với rừng, sống được từ bảo vệ và phát triển rừng ở Điện Biên Đông đang là bài toán khó.

Ông Lò Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, đã có nhiều chính sách, các chương trình, dự án được triển khai nhằm phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho đời sống của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, tình trạng dân di cư tự do, tập quán phá rừng làm nương và nhu cầu khai thác gỗ làm nhà tại chỗ theo phong tục của người dân ngày một tăng lên. Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của một số dự án chưa đúng trình tự thủ tục quy định; một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thực hiện nghiêm túc Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 23/3/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, có  lãnh đạo cơ sở còn bao che cho một số hộ phá rừng làm nương. Trong khi biên chế lực lượng kiểm lâm còn mỏng (1 kiểm lâm viên/xã), địa bàn hoạt động rộng, địa hình phức tạp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ - phòng cháy, chữa cháy rừng còn thiếu; đa số các xã chưa bố trí được nơi làm việc cho kiểm lâm phụ trách địa bàn... làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Sau đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2016, Hạt Kiểm lâm Điện Biên Đông tổ chức xuống địa bàn phối hợp với UBND các xã kiểm tra mức độ và diện tích rừng bị thiệt hại. Theo thống kê, diện tích cây bị cụt ngọn, gẫy cành, rụng hết lá và chết khô ở các khu rừng khoanh nuôi, bảo vệ trên toàn huyện là 2.508,47ha. Tập trung nhiều tại các xã vùng cao như: Sa Dung, Phì Nhừ, Pú Nhi… có địa bàn diện tích rừng thiệt hại 100%, như các bản: Nà Sản A, B; Phà Só A (xã Sa Dung); bản Phù Lồng A, B, C (xã Pú Nhi).

Trả lời câu hỏi “Làm thế nào để người dân trên địa bàn gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng?” Ông Lò Văn Hương chia sẻ: Hiện nay, tại Điện Biên Đông, theo số liệu thống kê của đơn vị chuyên môn, 80% người dân làm nương theo hình thức luân canh. Theo quy định trong quy hoạch 3 loại rừng, dù cây to bị chặt hạ nhưng cây này thuộc diện tích nương luân canh thì kiểm lâm không thể xử lý. Tại nhiều địa phương, để người dân gắn bó, bảo vệ và phát triển rừng, phương án khả dĩ nhất là người dân được giao rừng và được hưởng lợi từ rừng. Cụ thể là hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hoặc được hỗ trợ cây giống để trồng cây phân tán… Tuy nhiên, cùng với huyện Mường Ảng, Điện Biên Đông là 1 trong 2 huyện có mức phí chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp nhất tỉnh. Với số tiền 5.700 đồng/ha/năm thì không đủ chi phí ngay từ khâu lập hồ sơ chi trả. Nguyên nhân của việc tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp do rừng ở Điện Biên Đông thuộc đầu nguồn sông Mã, dù lưu vực rộng nhưng chỉ có 1 công trình thủy điện với công suất nhỏ đang hoạt động. Với công suất đó, chia ra để tính tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ ra số tiền rất... khiêm tốn trên! Vì vậy, cho đến thời điểm này, người dân Điện Biên Đông vẫn chưa được hưởng đồng tiền nào từ dịch vụ môi trường rừng. Chính quyền huyện, Hạt Kiểm lâm đang rất mong sự điều chỉnh từ Quỹ Phát triển rừng của tỉnh.

Về phương án trồng cây phân tán, Hạt Kiểm lâm và chính quyền huyện Điện Biên Đông đã có chủ trương. Tuy nhiên, nhu cầu của các xã là một chuyện, vấn đề quan trọng là hiệu quả, chất lượng trồng như thế nào? Hiện nay, chỉ có xã Phình Giàng đăng ký trồng thí điểm tại 2 hộ với số lượng 8.400 cây. Việc trồng cây phân tán không nên triển khai một cách ồ ạt theo kiểu “lấy thành tích” sẽ gây lãng phí, không hiệu quả, phải lựa chọn thời điểm trồng phù hợp thì cây mới sinh trưởng, phát triển được.

Theo Kế hoạch 388 của UBND tỉnh về việc thực hiện rà soát, hoàn chỉnh thủ tục để giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp giai đoạn 2013 - 2015, các địa phương phải hoàn thành trước thời điểm ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này (đầu tháng 3/2016) việc thực hiện Kế hoạch tại Điện Biên Đông vẫn đang trong quá trình triển khai. Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho biết: Vướng mắc lớn nhất vẫn là vấn đề tranh chấp đất rừng giữa các bản, xã do nguồn gốc sử dụng đất tại địa phương rất phức tạp, chồng chéo giữa các quy định và lịch sử để lại. Hiện vẫn còn 3 xã là: Tìa Dình, Pú Hồng và Xa Dung với tổng diện tích rừng khoảng trên 1.400ha huyện vẫn chưa giải quyết được tranh chấp. Nhất là tại Tìa Dình và Xa Dung đã có những vấn đề phức tạp mới tiếp tục phát sinh khi rừng tại 2 xã này vừa bị thiệt hại lớn do rét hại, băng giá làm chết cây. Thêm 1 nguyên nhân khiến việc giao đất, giao rừng, cấp giấy CNQSDĐ lâm nghiệp tại Điên Biên Động chậm là những diện tích rừng phân tán ven sông, suối, cạnh vạt nương rất khó để giao cho người dân vì bà con cho rằng: rừng quá phân tán, nhỏ lẻ, trải dài trên địa bàn rộng… nên không quản lý, bảo vệ được.

Việc triển khai, hoàn thành Kế hoạch 388 của tỉnh hay nói rộng hơn là để người dân được làm chủ và hưởng lợi từ rừng ở Điện Biên Đông vẫn là lộ trình còn nhiều chông gai.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top