Đề án 79 ở Mường Nhé

Kết quả và những băn khoăn

00:00 - Thứ Sáu, 04/03/2016 Lượt xem: 2459 In bài viết
ĐBP - Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT - XH, bảo đảm QP - AN huyện Mường Nhé đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 1/2012, nhằm ngăn chặn tình trạng di cư tự do, giúp người dân an cư, lạc nghiệp, từng bước xóa đói nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Đã 4 năm triển khai, nhưng Đề án còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Theo mục tiêu của Đề án 79 đến hết năm 2015, toàn huyện Mường Nhé có gần 12 nghìn hộ với trên 6,7 vạn dân được bố trí tại 210 bản (gồm cả các bản hiện có, bản chia tách và bản thành lập mới sau khi bố trí, sắp xếp dân cư). Bên cạnh đó, tập trung phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân, phấn đấu giảm số hộ nghèo từ 77% năm 2011 xuống còn 52% vào năm 2015, mỗi năm giảm bình quân 5% hộ nghèo, tương đương với 543 hộ thoát nghèo.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác kiểm tra tại bản Mường Toong 4, xã Mường Toong.

Với sự nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ đầu tư và huyện Mường Nhé, đến nay việc triển khai đề án trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt một số kết quả. Đến nay đã có 674 hộ được bố trí, sắp xếp ổn định tại 20 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản, trong đó hơn 441 hộ ở 15 bản đã được bố trí, sắp xếp từ những năm trước theo Quyết định 141/QĐ-TTg của Chính phủ giai đoạn 2008 - 2012. Theo Quyết định 79/QĐ-TTg thì mục tiêu của Đề án là di chuyển, sắp xếp ổn định cho 1.097 hộ, tuy nhiên đến nay mới chỉ thực hiện được 233 hộ, đạt 21,59% so với kế hoạch. Hiện nay các điểm sắp xếp ổn định tại chỗ đã thực hiện xong việc giao đất sản xuất cho nhân dân, còn lại đối với các điểm phải di chuyển sắp xếp tập trung mới giao trên thực địa. Từ nguồn vốn của Đề án 79, huyện Mường Nhé đã triển khai 63 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có 24 dự án đã hoàn thành và 39 dự án đang triển khai.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai Đề án 79, nhưng trên thực tế, việc triển khai đề án vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra, khối lượng công việc còn nhiều.

Đồng chí Lê Thành Đô, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án cho biết: Việc triển khai Đề án 79 còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những khó khăn nhất là công tác tuyền truyền, vận động dân đăng ký đến những nơi ở mới theo quy hoạch. Nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn địa điểm, phương án xây dựng quy hoạch khu dân cư và đất sản xuất, nhiều địa điểm đã phải điều chỉnh lại để phù hợp với dự án. Các chính sách hỗ trợ làm nhà, đất sản xuất, lương thực, đào tạo còn chậm chưa đến được với người dân trên địa bàn. Vì vậy, tiến độ di chuyển dân chậm so với mục tiêu đề ra, đến nay mới chỉ thực hiện di chuyển được 233/1.097 hộ, đạt trên 21% so với mục tiêu. Đối với các điểm thành lập mới theo quyết định 79, đã thực hiện GPMB được 10 điểm, đạt 34,5% so với kế hoạch. Hoàn thành đo đạc quy chủ, đang tiến hành lập phương án hỗ trợ, đền bù GPMB 13 điểm... Tính đến thời điểm hiện nay, UBND huyện Mường Nhé mới chỉ phê duyệt được 22 phương án với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng và 916ha đất đã thu hồi và đề nghị giao cho dân.

Cuối tháng 2/2016, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm, làm việc về Đề án 79 với huyện Mường Nhé. Thăm bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè, do Công an tỉnh làm chủ đầu tư, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn đã chia sẻ những khó khăn cùng bà con khi dự án vẫn chưa hoàn thiện. Bản Nậm Kè 2 theo quy hoạch có 34 hộ, đến thời điểm hiện nay đã di chuyển được 13 hộ, 74 khẩu từ Húi To, xã Chung Chải về năm 2014. Đến nay, cơ bản về đất ở cho bà con đã ổn định, đất sản xuất cho những hộ đã chuyển về. Song còn 21 hộ chưa chuyển về, do không nhất trí với diện tích đất sản xuất được giao và cho rằng đất xấu khó canh tác. Ông Thào A Chinh, trưởng bản Nậm Kè 2 cho biết: Hiện tại bản vẫn chưa có trường học nên học sinh đi học phải ra xã Nậm Kè. Bên cạnh đó, đất sản xuất của người dân vẫn còn thiếu. Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chủ đầu tư cần đẩy nhanh, lập phương án, hoàn thiện cơ sở vật chất cho bản, rà soát, thu hồi lại đất sản xuất để tiếp tục giao cho bà con.

Thăm bản Mường Toong 4, xã Mường Toong do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm chủ đầu tư, đoàn công tác thực địa nắm tình hình và nghe đơn vị chủ đầu tư báo cáo những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai. Bản Mường Toong 4 hiện tại mới có 16/30 hộ theo phương án phê duyệt chuyển đến. Tuy nhiên, bà con bản Mường Toong 4 vẫn gặp khó khăn về đất sản xuất. Hiện chủ đầu tư vẫn chưa giao đất sản xuất cho bà con vì vướng mắc thủ tục, giá đất, đền bù. Bên cạnh đó, những các hộ dân trước đã sống ở đây sau khi chuyển đi nhưng đất sản xuất chưa giải quyết dứt điểm, trong khi các thủ tục về thu hồi đất chưa xong nên dù chuyển đi nơi khác nhưng những hộ này vẫn quay về nơi cũ canh tác, sản xuất. Anh Vừ Ghe Hờ, Trưởng bản Mường Toong 4 chia sẻ: Chuyển về nơi ở mới, được đầu tư cở sở hạ tầng khang trang, hỗ trợ con giống bà con vui lắm, nhưng cái người dân chúng tôi cần thiết là đất sản xuất để ổn định cuộc sống lâu dài.

Sau khi thăm một số điểm thuộc Đề án, đoàn công tác đã có buổi làm việc tại Huyện ủy Mường Nhé. Đây là một trong nhiều cuộc họp nhằm đánh giá tình hình triển khai thực hiện Đề án 79, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, qua đó thống nhất phương án thực hiện Đề án trong thời gian tới. Dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đại diện các sở, ngành tỉnh, đại diện các chủ đầu tư và cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cả khách quan lẫn chủ quan trong quá trình thực hiện. Hầu hết vấn đề các chủ đầu tư kiến nghị, đề xuất liên quan đến đất ở, đất sản xuất với lý do điều kiện đặc thù trên địa bàn và hầu hết các điểm bản mới đều “khan” đất canh tác. Còn rất ít diện tích có thể khai hoang bởi đất có độ dốc lớn, diện tích đất ruộng trồng lúa nước được quy hoạch đầu tư thủy lợi cũng hạn chế. Các hộ dân mới di cư đến thường là mượn đất của các hộ dân bản địa để canh tác. Việc thu hồi đất canh tác và chia lại cho người dân cần phải được tính toán kỹ lưỡng, có chính sách hỗ trợ, đền bù thỏa đáng, nhưng kinh phí cho hoạt động này vẫn chưa được đề cập chi tiết trong Đề án 79. Điển hình bản Nậm Kè 1 do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư được giao năm 2012 với 34 hộ chuyển từ Húi To, xã Chung Chải. Thế nhưng qua 3 lần vận động, người dân đã đồng ý chuyển về nơi mới, nhưng do vướng mắc về giá cả, nguồn vốn, đất đai trùng với đất đã quy hoạch trồng cao su của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé nên đến nay vẫn chưa thể GPMB. Vì vậy, một thời gian sau người dân đã chuyển đi nơi khác. Tại cuộc họp cuối tháng 2 vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã xin “trả” lại điểm bản Nậm Kè 1 để giao cho huyện Mường Nhé làm chủ đầu tư.

Sau khi nghe báo cáo tiến độ thực hiện Đề án 79, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư cần làm báo cáo chi tiết hơn về dự án, trong đó tập trung vào việc: Xác định dự án đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm, có đảm bảo đất sản xuất cho bà con hay không và dự kiến khi nào hoàn thành. Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thì trong báo cáo của các đơn vị chủ đầu tư đều không nêu lên những vấn đề đó. Đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo đề án cần rà soát lại các chủ đầu tư, nếu đơn vị nào không đủ điều kiện, năng lực thì nên xin rút. Giao cho UBND huyện Mường Nhé nghiên cứu những điểm đã quy hoạch nếu điểm nào không thích hợp thì sẽ chuyển sang địa điểm mới. Quan trọng nhất là các chủ đầu tư phải rà soát lại đất ở, đất sản xuất, bởi đây là điều thiết yếu để người dân yên tâm định cư, định canh.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top