Đồng hành cùng phụ nữ vươn lên

00:00 - Thứ Hai, 07/03/2016 Lượt xem: 2580 In bài viết
ĐBP - Không chỉ là nơi giao lưu, sẻ chia, động viên nhau trong cuộc sống, các cấp hội phụ nữ còn là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều chị em trên con đường vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực, như: Nhận ủy thác cho vay vốn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, lập tổ hợp tác sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp… Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh hiện có gần 88.500 hội viên, trong đó, phần lớn là chị em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, hiểu biết còn hạn chế, cuộc sống còn khó khăn. Những năm qua, các cấp hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia các chương trình giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội; phát huy nội lực, ý chí vươn lên thoát nghèo…

Hội viên Hội LHPN xã Na Sang (huyện Mường Chà) hưởng ứng phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”. Ảnh: Hải Yến

Nhiều hoạt động, phong trào đã được triển khai và đạt được hiệu quả thiết thực, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, giúp phụ nữ nghèo theo địa chỉ, thành lập các quỹ tiết kiệm, vay vốn… Cụ thể, trong năm 2015, các chi hội đã tổ chức giúp 2.675 phụ nữ làm chủ hộ nghèo 2.103 ngày công lao động; 3.047kg gạo, thóc, ngô; 505 giống cây các loại; 5.078 con giống; cho vay không lấy lãi gần 2 tỷ đồng; xây dựng và sữa chữa 8 mái ấm tình thương. Việc khai thác, duy trì và quản lý các nguồn vốn vay, đôn đốc thu hồi vốn đạt trên 99%. Các cấp hội đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội trên 478 tỷ đồng cho trên 19.800 lượt hội viên vay; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo có tổng dư nợ trên 4 tỷ đồng cho hơn 1.100 hội viên phụ nữ vay… Các mô hình tiết kiệm, như: Ống tiền tiết kiệm, Hũ gạo tiết kiệm, Kho thóc tiết kiệm… được nhân rộng với 152 câu lạc bộ tiết kiệm được thành lập, giúp cho hơn 6.000 hội viên vay không lấy lãi để phát triển kinh tế. Điển hình là Hội LHPN TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa. Ngoài ra, còn nhiều hình thức tiết kiệm khác với tổng số tiền huy động được 23,2 tỷ đồng cho trên 20.000 lượt phụ nữ nghèo vay. Từ những nguồn vốn ấy, nhiều gia đình hội viên phụ nữ đã có kinh phí để mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Và một trong những kết quả là, trong giai đoạn 5 năm (2011 – 2015) có 1.309/1.600 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo.

Một trong những cơ sở hội cấp huyện làm tốt công tác trên là Hội LHPN Điện Biên Đông. Bà Lò Thị Chanh, Phó Chủ tịch Hội cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội đã chỉ đạo các chi hội tiến hành khảo sát hội viên phụ nữ nghèo và phụ nữ làm chủ hộ. Qua khảo sát có gần 6.000 hội viên nghèo, trong đó 722 phụ nữ làm chủ hộ. Từ đó, Hội xây dựng kế hoạch giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Ngoài nhận ủy thác cho vay vốn, xoay vòng tiết kiệm, trong năm 2015, Hội đã vận động hơn 1.500 chị em giúp nhau bằng tiền, thóc, ngày công, con giống, trị giá trên 60 triệu đồng. Hội còn phối hợp với Ban Giảm nghèo huyện hỗ trợ 170 dê giống, 400 con vịt bầu, hàng nghìn cân thóc giống cho các hộ hội viên tại các xã: Pú Hồng, Tìa Dình, Pu Nhi để phát triển sản xuất.

Không chỉ hỗ trợ vật chất, cho hội viên “con cá” mà Hội còn trao “cần câu” bằng việc trang bị kiến thức cơ bản cho chị em để xây dựng, phát triển và nhân rộng những mô hình kinh tế, sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Năm 2015, Hội mở 3 lớp dạy nghề, cầm tay chỉ việc cho 95 lao động nữ; duy trì 4 tổ hợp tác sản xuất; phối hợp tuyên truyền xuất khẩu lao động cho hơn 100 lao động; thành lập mới 2 tổ hợp tác: Nuôi thả cánh kiến đỏ bản Trung Dình, xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà và nuôi gà phường Sông Đà, thị xã Mường Lay; tổ chức đưa Hợp tác xã Thêu dệt thổ cẩm bản Mển (huyện Điện Biên) và Thêu truyền thống dân tộc Mông (huyện Tủa Chùa) đi giới thiệu sản phẩm tại Hà Nội, kết nối bao tiêu đầu ra sản phẩm cho các tổ… Nhờ đó, nhiều chị em hội viên đã có động lực chủ động vươn lên, tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp, có việc làm, tăng thu nhập.

Để các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong năm 2016 đạt kết quả cao hơn nữa, Hội LHPN tỉnh xác định, tích cực khai thác các nguồn vốn đầu tư cho phụ nữ nghèo vay; tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn vốn vay của các cơ sở hội; tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các hội nhận ủy thác cấp tỉnh tổ chức tập huấn, củng cố và nâng cao chất lượng ủy thác; vận động các cấp hội duy trì tốt các mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác… Để thực hiện được các nhiệm vụ ấy, bà Hà Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: Hội sẽ chủ động khai thác các nguồn lực; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc, đồng thời đề xuất ý kiến kịp thời tháo gỡ khó khăn; tập trung hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với lựa chọn vấn đề ưu tiên, chỉ đạo có trọng điểm để hội phụ nữ các cấp thực sự là nơi sẻ chia, là điểm tựa, bạn đồng hành cho chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ nghèo nói riêng.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top