Sớm có giải pháp khắc phục thiệt hại rừng do rét đậm, rét hại

00:00 - Thứ Hai, 07/03/2016 Lượt xem: 3098 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: đợt rét đậm, rét hại vào cuối tháng 1 kèm theo băng, tuyết đã làm hơn 5.800ha rừng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, với mức độ thiệt hại tùy từng loại rừng từ 20 – 80%. Để khắc phục thiệt hại, đến thời điểm này, hầu hết các địa phương có diện tích rừng bị ảnh hưởng mới chỉ đưa ra những giải pháp trước mắt mang tính tạm thời, còn về lâu dài vẫn đang chờ một cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể từ cấp trên.

Những diện tích rừng bị ảnh hưởng như: đổ cây, gãy cành chủ yếu tập trung trên địa bàn 4 huyện: Điện Biên Đông, Điện Biên, Tuần Giáo và Tủa Chùa. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Chi cục Kiểm Lâm cho biết: Vừa qua, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp đã có chuyến công tác đi thực địa tại một số địa bàn có diện tích rừng bị ảnh hưởng để đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó đưa ra những biện pháp khắc phục cụ thể.

Đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra thực địa diện tích rừng bị thiệt hại tại huyện Tuần Giáo.

Trong khi chờ chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, một số giải pháp khắc phục tạm thời đã được các địa phương đưa ra và triển khai: Đối với những diện tích rừng có mức độ thiệt hại lớn, các cộng đồng được giao quản lý rừng tổ chức dọn dẹp những cây đổ, gãy, làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đối với những diện tích rừng có mức độ thiệt hại nhỏ, yêu cầu các chủ rừng và UBND các xã tuyên truyền giữ nguyên hiện trạng, tránh tình trạng lợi dụng khai thác lâm sản trái phép. Thời điểm này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình khắc phục diện tích rừng bị ảnh hưởng tại các địa bàn là phòng, chống cháy rừng. Bởi, đây cũng là thời gian đồng bào các dân tộc tập trung phát dọn, đốt thực bì làm nương, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn trên diện rộng là rất cao. Vì vậy, yêu cầu các hạt kiểm lâm tăng cường lực lượng trực canh phòng; phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền nguy cơ cháy rừng đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, thông báo tới người dân khi đốt nương phải báo cáo chính quyền cơ sở và lực lượng kiểm lâm.

Điện Biên Đông là huyện có diện tích rừng bị ảnh hưởng nhiều nhất với trên 2.500ha, mức độ thiệt hại từ 30 – 70%. Ông Lò Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: Trên địa bàn, chưa năm nào có rét đậm và đóng băng tuyết như năm nay. Trước đây cùng lắm cũng chỉ có sương muối làm cháy lá chứ không tàn phá cả cánh rừng như băng tuyết. Chúng tôi đã đi thực địa ở những diện tích rừng bị ảnh hưởng, những vạt rừng bị táp, héo lá nên rụng hết, chỉ còn trơ lại thân cây khô quắt. Với những cánh rừng bị thiệt hại nặng có thể tận thu, chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho người dân ở một số xã như Sa Dung, Phì Nhừ được phép vào rừng để tận thu những cành cây bị đổ, gãy nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm huyện để tránh tình trạng người dân lợi dụng khai thác lâm sản trái phép.

Cùng với Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo cũng có 2.095ha rừng trồng và rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, trong đó, xã Tênh Phông có diện tích bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1.920ha. Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng… Với những diện tích có mức độ thiệt hại dưới 30% thì biện pháp trước mắt là bảo vệ tự nhiên. Với những diện tích có mức độ thiệt hại từ 30 – 60%, đơn vị đã đề xuất giải pháp hỗ trợ trồng dặm đối với rừng trồng, còn rừng tự nhiên do chưa có cơ chế hỗ trợ nên sẽ để phục hồi tự nhiên. Còn những diện tích rừng bị thiệt hại từ 60% trở lên cần phải thanh lý và tiến hành trồng lại rừng. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi mới triển khai hướng dẫn UBND các xã, các chủ rừng và người dân thực hiện các biện pháp lâm sinh như: thu dọn vật liệu dễ gây cháy, tạo đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng. Về lâu dài, các biện pháp khắc phục như trồng dặm, trồng mới rừng thì cần phải có chỉ đạo cụ thể từ cấp trên.

Cũng giống như Điện Biên Đông, Tuần Giáo, một số huyện khác có diện tích rừng bị ảnh hưởng như: Tủa Chùa thiệt hại 64 cây thông và ảnh hưởng một số diện tích rừng ở các xã phía Bắc, huyện Điện Biên với trên 1.200ha bị ảnh hưởng, đến thời điểm này cũng mới chỉ có những giải pháp mang tính tạm thời trước mắt như: tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra; tổ chức tuyên truyền cho người dân về bảo vệ rừng, phòng chống nguy cơ cháy rừng; hướng dẫn cho người dân phát dọn thảm thực bì, cành cây bị đổ, gãy... Còn với những giải pháp khắc phục lâu dài để phục hồi lại rừng thì vẫn đang... chờ!

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top