Chị Trần Thị Mây làm giàu từ chăn nuôi

00:00 - Thứ Tư, 09/03/2016 Lượt xem: 3015 In bài viết
ĐBP - 5 năm trước, gia đình chị Trần Thị Mây (tổ 2, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng) thuộc diện hộ nghèo. Là gia đình thuần nông, 2 vợ chồng chị Mây xoay xở nhiều nghề mà cuộc sống vẫn khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới việc học hành và nuôi dạy con cái. Nhưng từ sự động viên, cho vay vốn và đào tạo hướng nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Ảng, cùng nỗ lực của bản thân, giờ đây kinh tế gia đình chị Mây không chỉ khá giả mà chị còn trở thành cán bộ phụ nữ làm kinh tế giỏi, làm gương cho chị em khác trong Hội LHPN thị trấn học hỏi, noi theo.

Trong căn nhà khang trang mới xây dựng, chị Mây chia sẻ, “Năm 2011, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Hội LHPN thị trấn, qua sách báo, ti vi tôi thấy nhiều người thành công trong việc lựa chọn con giống, làm chuồng trại phù hợp để phát triển kinh tế nên đã chọn lọc và áp dụng vào thực tiễn của gia đình mình”. Từ mảnh đất 3.000m2  của gia đình, chị Mây làm chuồng trại nuôi gà, vịt, lợn và chim bồ câu. Ban đầu, số lượng giống vật nuôi của gia đình còn ít, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, chị Mây gặp nhiều khó khăn trong việc chăn nuôi. Chị cho biết: “Lứa đầu tôi chỉ nuôi được các loại gia cầm, còn chim bồ câu đều bị chết do không được chăm sóc đúng cách, tôi nản chí lắm, nhưng nghĩ tới hoàn cảnh gia đình tôi tiếp tục đầu tư nuôi lại lứa khác”.

Để có kinh nghiệm chị Mây đăng ký các lớp đào tạo nghề chăn nuôi của Trung tâm Đào tạo nghề liên kết với Hội Nông dân và Hội LHPN huyện Mường Ảng. Ngoài ra, chị Mây còn đi nghiên cứu các mô hình chăn nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ những bà con đã thành công trong huyện. Sau thời gian học 1 tháng, chị Mây đầu tư mua 50 đôi chim bồ câu Pháp để nuôi. Theo chị Mây, chim bồ câu Pháp nhanh lớn và cho giá trị kinh tế cao.

Chị Trần Thị Mây chăm sóc đàn bồ câu của gia đình.

Nhờ đã lĩnh hội được kinh nghiệm, những lứa chim bồ câu sau đó sinh trưởng khá nhanh. Sau 3 năm, mấy chục đôi chim bồ ngày nào đã phát triển thành  bầy đàn. Với giá bán từ 100 – 150 nghìn đồng/đôi chim bồ câu trưởng thành, chị Mây thu về hơn 30 triệu đồng/lứa.

Dẫn chúng tôi đi xem các chuồng chim bồ của gia đình, chị Mây cho biết: “Chuồng nuôi chim bồ câu phải làm bằng nan tre thoáng mát, sạch sẽ thì chim mới mau lớn. Bên cạnh đó, phải chia thành các ô nhỏ cho mỗi cặp chim. Mật độ nuôi rất quan trọng, nếu nuôi dày quá thì chim gầy và ít sinh sản.

Đến năm 2015, gia đình chị Mây không chỉ trả được toàn bộ số vốn vay, mà còn có dư để tái đầu tư và mở rộng quy mô chuồng trại. Giờ đây, trong trang trại của chị Mây còn nuôi thêm nhiều loại gia cầm như: Gà chọi, gà Mỹ, gà Đông Cảo, ngan Pháp... Do cách chăm sóc tốt, vật nuôi trong trang trại của chị Mây đều sinh trưởng, phát triển khá nhanh và hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao.

Hiện nay, chị Mây là một trong những nông dân làm kinh tế giỏi với mô hình chăn nuôi lớn nhất thị trấn Mường Ảng. Nhiều gia đình hội viên nông dân và phụ nữ thị trấn đã tới tham quan, học hỏi mô hình của chị Mây để phát triển kinh tế gia đình.

Các con chị Mây có điều kiện đi học đại học, cao đẳng. Gia đình chị đã sắm được nhiều thiết bị hiện đại để phục vụ cuộc sống. Trong căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười, chị Mây cho biết: Chị đang tiếp tục đi học thêm nghề chăn nuôi, trong thời gian tới chị sẽ nuôi thử nghiệm ếch và thỏ. Đây là các giống vật nuôi đang được ưa chuộng trên thị trường, có khả năng mang lại thu nhập kinh tế cao.

Chia sẻ với chúng tôi về chị Mây, chị Vũ Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mường Ảng cho biết: “Chị Mây là hội viên gương mẫu trong lao động, chăn nuôi. Bằng nỗ lực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm chăn nuôi để thành công, chị Mây không chỉ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình mà còn hướng dẫn cho nhiều hội viên trong hội học hỏi, làm theo để phát triển kinh tế gia đình”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top