Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Quyết liệt ngay từ đầu năm

00:00 - Thứ Tư, 09/03/2016 Lượt xem: 2520 In bài viết
ĐBP - Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được xác định là vô cùng phức tạp, lâu dài, do đó, ngay từ đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm.

Theo báo cáo của Chi cục QLTT, trong 2 tháng đầu năm, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra 279 vụ và xử lý 162 vụ vi phạm hành chính (trong đó có 1 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm; 1 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu; 40 vụ vi phạm về giá; vi phạm về điều kiện kinh doanh 13 vụ; vi phạm về an toàn thực phẩm 64 vụ; vi phạm khác 43 vụ); xử lý, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 90 triệu đồng. Còn trong công tác phối hợp liên ngành, các đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thị, thành phố đã kiểm tra 78 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 11 cơ sở, thu nộp ngân sách Nhà nước 12 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật vi phạm trị giá trên 8 triệu đồng, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nước ngọt, bánh kẹo, mì ăn liền…

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1, TP. Điện Biên Phủ kiểm tra cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn thành phố.

Với địa bàn quản lý là khu vực trung tâm của tỉnh, hoạt động kinh doanh diễn ra sôi động, phức tạp với lưu lượng hàng hóa tập trung lớn, nên công việc của những cán bộ trong Đội QLTT số 1, TP. Điện Biện Phủ cũng vất vả hơn. Bà Nguyễn Thị Liễu, Đội trưởng Đội QLTT số 1, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Mặc dù lực lượng mỏng, nhưng anh em trong đội luôn nỗ lực phòng, chống hàng nhập lậu, hàng hóa kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ xâm nhập vào địa bàn, đảm bảo thị trường tiêu dùng được ổn định. Từ đầu năm đến nay, Đội đã kiểm tra được 92 vụ và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 58 vụ. Trong kế hoạch kiểm tra thường xuyên, Đội đã kiểm tra 76 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 vụ, trong đó, an toàn thực phẩm và may mặc, đồ điện là những lĩnh vực được kiểm tra nhiều nhất với 73 vụ kiểm tra và 48 vụ xử phạt.

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đầu năm đến nay, Chi cục QLTT đã triển khai 12 văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389, Sở Công Thương… về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến tình hình thị trường của các địa phương, từ đó chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch kiểm tra đối với những mặt hàng cụ thể, yêu cầu các đội QLTT đẩy mạnh công tác kiểm tra tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý… Trong đó, công tác kiểm tra tập trung vào 9 nội dung, mặt hàng chủ yếu gồm: vệ sinh an toàn thực phẩm; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; việc tổ chức dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ lễ, tết, mùa mưa lũ, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hoạt động khuyến mại, bán hàng đa cấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, đồ dùng gia đình, đồ điện, điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm.

 Ông Nguyễn Huy Cậy, Chi cục trưởng Chi cục QLTT, cho biết: ngay từ những tháng đầu năm, đơn vị đã xây dựng chương trình công tác với nhiệm vụ trọng tâm, kế hoạch kiểm tra từng tháng và xuyên suốt trong năm. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, bình ổn thị trường, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm. Mới đây, Chi cục đã ban hành Công văn số 76/CV – QLTT về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ ngày càng tinh vi, phức tạp, để chủ động QLTT, Chi cục phân công một lực lượng thường xuyên bám sát địa bàn, điều tra trinh sát nắm tình hình thị trường một cách đồng bộ trên diện rộng, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Cùng với quyết liệt kiểm tra, kiểm soát, Chi cục QLTT còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, biện pháp, giải pháp của Chính phủ và UBND tỉnh về thực hiện kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường của các lực lượng chức năng. Nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa - nơi nhận thức của người tiêu dùng và cả người kinh doanh, đặc biệt là bộ phận người dân tộc thiểu số về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, phân biệt hàng thật, hàng giả còn hạn chế. Qua đó nâng cao kiến thức cho nhân dân và cả người kinh doanh, chủ động tố giác, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top