Dấu ấn trong xóa đói giảm nghèo

00:00 - Thứ Sáu, 11/03/2016 Lượt xem: 2395 In bài viết
ĐBP - Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh từ 50,01% (năm 2010) xuống còn 28,01% vào cuối năm 2015 là dấu ấn quan trọng, thể hiện bước chuyển mạnh mẽ sau 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,4%, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Điện Biên là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề cao; một bộ phận nhân dân chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong khi nguồn lực huy động tại chỗ, tại địa phương phục vụ cho công tác giảm nghèo còn hạn chế... Những nguyên nhân chủ yếu trên là “rào cản” trong việc thực hiện mục tiêu chương trình xóa đói giảm nghèo.

Nhờ được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều hộ dân ở TX. Mường Lay chuyển sang nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo.

Vì lẽ đó, để chương trình xóa đói giảm nghèo hiệu quả, cùng với thực hiện kịp thời chính sách an sinh xã hội, Ban Chỉ đạo Giảm nghèo tỉnh tổ chức đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững đến những huyện nghèo, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; tăng cường công tác điều tra, rà soát nắm chắc thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo để xác định nguyên nhân, từ đó có giải pháp hỗ trợ vươn lên thoát nghèo. Cũng do là tỉnh đặc biệt khó khăn, nên việc huy động nguồn lực đầu tư cho công tác xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Bằng nhiều giải pháp triển khai thực hiện, 5 năm qua toàn tỉnh đã huy động từ các nguồn vốn với tổng số tiền 11.803,5 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo. Trong đó, chủ yếu là nguồn ngân sách Trung ương (9.216 tỷ đồng); cho vay tín dụng (1.853 tỷ đồng); hỗ trợ của tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ, các tổ chức nước ngoài (848,4 tỷ đồng); ngân sách địa phương (391,5 tỷ đồng)... Nguồn kinh phí huy động trên đã sử dụng lồng ghép hiệu quả để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới nhằm đẩy mạnh kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống và sinh kế, xóa đói giảm nghèo và ổn định dân cư, nhất là ở những nơi còn gặp nhiều khó khăn. Các mục tiêu giảm nghèo được thực hiện khá hiệu quả: Đến cuối năm 2015, bình quân tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đầu người là 23,6 triệu đồng (đạt 102,7%); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,01% (đạt 111,7%) so với mục tiêu Nghị quyết; hơn 83,3% hộ dân được sử dụng điện sinh hoạt; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 43,6%...

Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn những huyện, xã khó khăn; xây dựng các mô hình sản xuất tạo thu nhập và lợi ích kinh tế cao là giải pháp được xác định góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo Nghị quyết số 07 - NQ/TU ngày 23/3/2012 của Tỉnh ủy; thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy hoạch gắn với triển khai chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm tập trung nguồn lực khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng diện tích xây dựng các cơ sở chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh chương trình khuyến nông - khuyến lâm, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là đưa giống mới vào sản xuất; tập trung nâng cấp sửa chữa, xây dựng các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho 17.118ha, ổn định và từng bước giảm dần diện tích trên nương, thực hiện thâm canh tăng vụ, tăng năng suất lúa nước ở các khu vực sản xuất lúa trọng điểm, vừa đảm bảo an ninh lương thực và trở thành hàng hóa xuất ra ngoài tỉnh. Đến nay đã hình thành vùng trọng điểm sản xuất lúa chất lượng cao ở lòng chảo Điện Biên; cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh trong năm 2015 đạt 250.375 tấn (riêng sản lượng thóc đạt 174.177 tấn) vượt chỉ tiêu kế hoạch. Bình quân lương thực đầu người đạt 457kg/năm. Các loại cây công nghiệp dài ngày, như: Chè, cà phê, cao su tiếp tục được mở rộng, nâng tổng diện tích chè trong toàn tỉnh lên 608,6ha; gần 4.135,6ha cà phê và hơn 5.172,6ha cao su (trong đó diện tích cao su đại điền là 5.051,62ha).

Tiếp tục cải thiện điều kiện sống cho người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt và nhà ở; tỉnh ta đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 95% hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,73%/năm; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4 - 5%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015). Riêng giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 6,8%/năm; bình quân tổng sản phẩm trong tỉnh trên đầu người đạt 38 - 40 triệu đồng; 100% người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu, hỗ trợ giáo dục, vay vốn tín dụng…) Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung tổ chức điều tra, xác định hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016 - 2020 bằng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều, làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững. Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Giảm nghèo tỉnh cho biết: Giảm nghèo đa chiều là phương pháp xác định đối tượng hộ nghèo, cận nghèo không chỉ dựa vào thu nhập mà còn phân tích hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin…) từ đó sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại của đối tượng thụ hưởng. Việc triển khai chính sách xã hội, an sinh xã hội sẽ phù hợp, sát thực hơn. Tỉnh cũng sẽ tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, sự tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội trong và ngoài tỉnh, bố trí hợp lý nguồn lực của tỉnh và huy động nguồn lực từ trong dân, mở rộng nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo. Tiếp tục quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhằm tạo điều kiện cho xã nghèo, hộ nghèo phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top