Xuất khẩu lao động

Thiếu giải pháp hữu hiệu

00:00 - Thứ Hai, 14/03/2016 Lượt xem: 2122 In bài viết
ĐBP - Xuất khẩu lao động (XKLĐ) luôn được kỳ vọng sẽ giúp lao động dôi dư địa phương, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn có việc làm, tăng thu nhập, thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc XKLĐ trên địa bàn tỉnh luôn không đạt kế hoạch đề ra, mà nguyên nhân cơ bản là chất lượng lao động ở tỉnh ta thấp; nhận thức của người dân về XKLĐ còn hạn chế...

Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 3 năm (2013 - 2015), toàn tỉnh đã xuất cảnh được 155 lao động sang các nước: Lào 35 lao động; Hàn Quốc 39 lao động; Ả rập xê út 13 lao động; Malaysia: 51 lao động; Nhật Bản 5 lao động; Đài Loan 5 lao động. Hiện nay, phần lớn số lao động xuất khẩu giai đoạn 2013 - 2015 có việc làm và thu nhập ổn định theo từng thị trường. Một số lao động đã gửi tiền về để gia đình trả nợ ngân hàng, giúp người thân ở nhà phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Thu nhập bình quân người lao động ở thị trường Malaysia từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/người/tháng; Hàn Quốc từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng; Ả rập xê út đạt từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng; Lào từ 6 - 14 triệu đồng/người/tháng...

Có thể khẳng định mức lương bình quân của lao động xuất khẩu cao hơn nhiều so với mức bình quân của lao động tại địa phương. Đây chính là cơ hội để người lao động tham gia xuất khẩu, vươn lên thoát nghèo bền vững. Với hàng loạt ưu thế: lao động chính đáng, mức thù lao cao... nhưng tình hình XKLĐ trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua lại rất trầm lắng. Với con số 155 lao động xuất khẩu trong 3 năm qua (đạt 44,28% kế hoạch) cho thấy các cơ quan chức năng và người dân chưa thực sự nỗ lực trong khai thác nguồn lực dôi dư trong xã hội. Lý giải nội dung này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng XKLĐ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực hiện kế hoạch XKLĐ. Trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, trình độ dân trí không đồng đều. Điểm chung nhất là khi đã lập gia đình, tâm lý của người đàn ông không muốn xa vợ con, xa nhà; từ lâu, họ thường trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, lao động ở những vùng này thường có trình độ văn hóa, tay nghề thấp, ý thức kỷ luật lao động chưa cao. Ngoài ra, trong thời gian đang làm việc ở nước ngoài, người lao động gặp vướng mắc, khó khăn nhưng đơn vị tuyển dụng XKLĐ không kịp thời giải quyết nên gây ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của người đăng ký tham gia XKLĐ. Một trở ngại nữa là người tham gia lao động ở nước ngoài thường phải chi phí từ 20 - 30 triệu đồng, nên nảy sinh tâm lý e ngại, lo sợ.

Một vấn đề đáng quan tâm thời gian qua là có một lượng lao động luôn sẵn sàng ra nước ngoài lao động song lại ngại làm các thủ tục theo quy định của Nhà nước nên tìm cách XKLĐ "chui". Theo thống kê từ Phòng XKLĐ, toàn tỉnh có gần 2.000 người tự đi hoặc bị dụ dỗ sang Trung Quốc và Lào lao động. Hầu hết tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo... Một số người may mắn trở về sau khi đi lao động "chui" ở Trung Quốc cho biết, họ bị cưỡng bức lao động từ 9 - 12 giờ/ngày và bị đối xử rất tệ. Anh Quàng Văn Tính ở bản Xuân Tre 2, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng cho biết: năm 2014, anh cùng vợ để con nhỏ cho ông bà nội, ngoại nuôi, trốn sang Trung Quốc làm ăn. Khi đi, anh Tính vay 5 triệu đồng với lãi suất 12%/tháng, sau gần 4 tháng làm không đủ ăn trên đất khách quê người, 2 vợ chồng tìm cách về Việt Nam, đến nhà chỉ còn 300.000 nghìn đồng. Vậy là món nợ 5 triệu đồng, hàng tháng trả 750 nghìn tiền lãi, giờ không biết xoay xở thế nào.

Để công tác XKLĐ trên địa bàn phát huy hiệu quả, đặc biệt là thực hiện mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta sẽ đưa 500 lao động có thời hạn sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia làm việc, từ năm 2013 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan chức năng tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về XKLĐ tới người lao động trong độ tuổi, đặc biệt là người lao động ở các huyện nghèo. Sở đã phối hợp tổ chức trên 200 buổi tập huấn, tuyên truyền, tư vấn các chế độ, chính sách của Chính phủ về XKLĐ cho người lao động; phát 5.500 tờ rơi tuyên truyền nội dung về XKLĐ; phát hành trên các ấn phẩm báo chí 8 phóng sự, 77 tin, bài phản ánh về nội dung và công tác XKLĐ tại địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chú trọng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở vận động người lao động trong độ tuổi đi XKLĐ; làm tốt công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động; đặc biệt là chú trọng công tác đào tạo người lao động có đủ tiêu chuẩn đi các thị trường khó tính, có thu nhập cao, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả rập xê út.

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top