Nhân rộng mô hình thủy sản ở huyện Điện Biên

Chú ý cung vượt quá cầu

00:00 - Thứ Hai, 14/03/2016 Lượt xem: 2702 In bài viết
ĐBP - Huyện Điện Biên có tổng diện tích gần 1.200ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có lợi thế nhiều hồ lớn: Pá Khoang, Hồng Khếnh, Hồng Sạt, Pe Luông... Những năm gần đây, người dân ở các xã vùng lòng chảo: Thanh Nưa, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên đã chuyển đổi nhiều diện tích rau màu kém hiệu quả sang đầu tư nuôi cá; chủ yếu là cá rô phi đơn tính được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, xuất phát từ việc phát triển ồ ạt, ít đa dạng về chủng loại giống, thị trường nhỏ hẹp đã dẫn đến cung vượt quá cầu.

Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm Thanh Hưng (xã Thanh Hưng) thành lập năm 2008, hiện có trên 10 thành viên tham gia, là các gia đình có diện tích ao lớn tập hợp lại để hỗ trợ nhau về kiến thức, trao đổi thông tin giá cả, thị trường tiêu thụ. Với diện tích trên 2ha mặt nước, chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, trắm, chép... mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường gần 70 tấn cá thương phẩm.

Mô hình cá rô phi đơn tính nuôi trong lồng tại hồ Pe Luông.

Anh Nguyễn Đức Mạnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Những năm đầu thành lập HTX, có ít hộ nuôi cá nên sản phẩm không lo đầu ra, lúc đó giá thành cá cao, thức ăn lại rẻ. Thấy thu nhập từ cá gấp nhiều lần trồng lúa, vài năm trở lại đây, ở các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Nưa, Thanh Chăn phát triển diện tích nuôi nhanh chóng, xuất hiện nhiều mô hình nuôi đơn lẻ nhưng cũng có diện tích ao từ 1.000 - 5.000m2. Cá rô phi đơn tính có đặc điểm ít dịch bệnh, thịt thơm, chắc, do đó được thị trường ưa chuộng hơn các loại cá chép, trắm. Tuy nhiên, cá rô phi đơn tính lại không vận chuyển được đến các thị trường xa, do đó vào mùa thu hoạch, giá cá xuống rất thấp; dao động từ 32.000 - 35.000 đồng/kg, với chi phí nuôi tới 6 tháng, nếu tính toán không sát, người nuôi lỗ vốn bởi giá thức ăn hiện nay tăng cao. Để khắc phục tình trạng cung vượt quá cầu, HTX chỉ đạo hội viên thu hoạch với số lượng nhỏ, thời gian kéo dài. 

Với lợi thế địa hình bằng phẳng, giao thông thuận tiện, nguồn nước dồi dào để phát triển nghề nuôi cá, trong những năm gần đây diện tích ao cá ở xã Thanh Nưa phát triển nhanh chóng. Toàn xã hiện có trên 12ha diện tích nuôi thủy sản; tập trung nhiều nhất ở các đội: 25, 26; trong đó có đến 90% là do người dân thu hẹp diện tích trồng màu để đầu tư hệ thống ao nuôi. Tuy nhiên, ít thông tin thị trường, đầu tư nhỏ, lẻ, manh mún đã khiến những hộ nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn trong đầu ra của sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Quân, đội 26 Thanh Bình, có 2ha ao nuôi cá, chia sẻ: Trước đây, nuôi cá truyền thống, diện tích ao nuôi ít, thời gian nuôi kéo dài 1 năm thu hoạch một lứa, do đó, giá tiền 1kg cá tương đương hoặc hơn 1kg thịt lợn, thịt bò. Trong những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản phát triển nhanh do chăn nuôi chủ yếu bằng thức ăn công nghiệp, nên thời gian nuôi chỉ từ 5 - 6 tháng/lứa, sản lượng cá đạt cao, cứ 1ha ao sẽ cho thu hoạch từ 12 - 15 tấn cá thương phẩm. Tuy nhiên, thị trường nhỏ hẹp, mà lượng cá hàng ngày cung cấp lại lớn, nên giá không cao.

Lý giải nguyên nhân nghề nuôi thủy sản vùng lòng chảo huyện Điện Biên gặp khó khăn đầu ra, bà Chu Thị Thanh Xuân, Giám đốc Trung tâm Thủy sản tỉnh cho rằng: Do trình độ sản xuất, tiếp cận kỹ thuật nuôi thủy sản của nông dân vùng lòng chảo khá nhanh, nguồn thức ăn có sẵn trên thị trường nên việc áp dụng thành công và nhân rộng mô hình rất nhanh chóng. Bên cạnh đó, những năm qua, người dân phát triển nghề này một cách ồ ạt, diện tích ngày một mở rộng, sản lượng cá tăng nhanh. Ngược lại, các mô hình thủy sản ở các huyện vùng sâu, vùng xa chậm phát triển hơn do trình độ áp dụng kỹ thuật còn hạn chế, bên cạnh đó người dân đầu tư thiếu bài bản nên mô hình nuôi thủy sản thiếu hiệu quả. Đó cũng là một trong những nguyên nhân cung vượt quá cầu đối với thị trường TP. Điện Biên Phủ. Trong khi việc vận chuyển cá thương phẩm đến các khu vực vùng cao, vùng sâu còn hạn chế do những bất cập về phương tiện, kỹ thuật vận chuyển và sức khỏe một số loại cá nên không mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Bài, ảnh: Kim Ngân
Bình luận
Back To Top