Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Cùng khách hàng khắc phục thiệt hại do giá rét

00:00 - Thứ Hai, 14/03/2016 Lượt xem: 2101 In bài viết
ĐBP - Đợt rét đậm, rét hại kèm theo băng tuyết cuối tháng 1, đầu tháng 2/2016 đã gây thiệt hại lớn đến cây trồng, vật nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bị ảnh hưởng. Để hỗ trợ khách hàng vay vốn tín dụng ưu đãi khắc phục hậu quả do rét đậm, rét hại, NHCSXH tỉnh áp dụng các biện pháp gia hạn nợ và khoanh nợ từ 3 – 5 năm, góp phần chia sẻ thiệt hại, giảm gánh nặng nợ nần, giúp khách hàng yên tâm lao động sản xuất trở lại.

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, sau đợt rét đậm, rét hại, toàn tỉnh có 156 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh bị thiệt hại với tổng vốn vay 3,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các hộ bị thiệt hại về trâu, bò.

Anh Tòng Văn Suôn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Luông – đơn vị nhận ủy thác của phòng giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên hướng dẫn gia đình bà Lường Thị Phóng làm thủ tục khoanh nợ.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ NHCSXH tỉnh cho biết: Để chủ động khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, NHCSXH tỉnh đã có công điện yêu cầu các phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị, thành phố bị thiệt hại do giá rét phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và khách hàng vay vốn NHCSXH để nắm bắt kịp thời những thiệt hại do thiên tai gây ra. Căn cứ vào mức độ thiệt hại của từng khoản vay, phòng giao dịch NHCSXH nơi cho vay vốn phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn bà con lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, NHCSXH tỉnh đã nhanh chóng cử các đoàn công tác đến những địa phương chịu thiệt hại nặng nề để trực tiếp chỉ đạo các phòng giao dịch gặp gỡ, hướng dẫn người dân. Về khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, NHCSXH tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp gia hạn nợ (kéo dài thời gian trả nợ) đối với các khoản vay bị thiệt hại dưới 40%; khoanh nợ tối đa 3 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại từ 40 – 80%; khoanh nợ 5 năm đối với các khoản vay bị thiệt hại trên 80%. Trong thời gian khoanh nợ, khách hàng chưa phải trả nợ và không phải trả lãi. Huyện Điện Biên có 87 hộ vay vốn tín dụng ưu đãi NHCSXH tỉnh bị thiệt hại do rét đậm, rét hại (chiếm 56% toàn tỉnh) với tổng số vốn 2,16 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu tập trung tại xã Thanh Luông (48 hộ vay vốn bị thiệt hại với tổng số vốn 1,4 tỷ đồng). Gia đình bà Lường Thị Phóng, đội 6, là một trong những hộ vay vốn NHCSXH bị thiệt hại nặng nề nhất xã Thanh Luông. Năm 2012, gia đình bà Phóng vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH tỉnh để mua một con trâu sinh sản. Sau 3 năm, đàn trâu của bà phát triển lên 3 con. Theo kế hoạch trong 2 năm tới, gia đình bà Phóng sẽ bán trâu để trả nợ NHCSXH tỉnh nhưng đợt rét đậm, rét hại từ đầu năm đã cướp đi 3 con trâu của gia đình, mức độ thiệt hại 100%. Trước đây, tài sản lớn nhất của gia đình là 3 con trâu, giờ trâu chết rồi trong nhà bà Phóng không còn tài sản gì đáng giá. Bà Lường Thị Phóng ngậm ngùi cho biết: “Năm nay thời tiết khắc nghiệt quá. Trâu chết, lúa ngoài đồng cũng bị chết rét hết. Đợt này gia đình tôi được NHCSXH tỉnh hướng dẫn làm hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền cho phép khoanh nợ trong vòng 5 năm. Đây quả thật là món quà đầy ý nghĩa vào thời điểm này, giúp gia đình tôi giảm áp lực về khoản nợ và có thêm thời gian để lao động sản xuất kiếm tiền trả nợ ngân hàng”.

Có hoàn cảnh tương tự là gia đình chị Quàng Thị Xiên, đội 14, xã Thanh Luông. Năm 2012, chị Xiên vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH tỉnh. Với số tiền này, chị Xiên dành 18 triệu đồng mua 1 con trâu sinh sản và 12 triệu đồng để mua ruộng cấy lúa. Năm 2015, đàn trâu phát triển lên 3 con, chị Xiên đã bán 1 con để trả 1 nửa số tiền vay NHCSXH và có ý định năm nay bán thêm con nữa để trả nốt số tiền còn lại nhưng chưa kịp bán thì trâu đã bị chết rét trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua. Mất trâu, nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết, gia đình chị Xiên đã nghèo nay càng nghèo thêm. Chị Xiên chia sẻ: “Nhà nghèo, lúa sản xuất được chỉ đủ ăn, nay lại thêm trâu bị chết hết, tôi thật sự không biết xoay xở như thế nào. Mong muốn duy nhất của tôi lúc này là được NHCSXH tỉnh cho vay thêm vốn để mua trâu, gây dựng lại từ đầu”.

Trước mong muốn được vay thêm vốn của những khách hàng vay vốn NHCSXH tỉnh bị thiệt hại do thiên tai, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Đây là mong muốn chính đáng của bà con. NHCSXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch cho vấn đề này. Sau khi phòng giao dịch NHCSXH các huyện hoàn tất hồ sơ khoanh nợ cho khách hàng bị thiệt hại, nếu hộ nào có nhu cầu vay vốn thì NHCSXH tỉnh sẽ tạo điều kiện cho bà con vay thêm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top