Lãi suất 0% và những nghịch lý

00:00 - Thứ Năm, 17/03/2016 Lượt xem: 1721 In bài viết
Lẽ ra theo lý thuyết khi lãi suất tiền gửi USD giảm xuống 0% người dân sẽ bán ngoại tệ và gửi tiết kiệm bằng tiền đồng, nhưng thực tế tiền gửi bằng USD thời gian qua vẫn tăng vọt và dường như việc găm giữ ngoại tệ có xu hướng tăng. Một nghịch lý khác là hiện nhiều NH và Chính phủ vẫn phải vay ngoại tệ hoặc huy động vốn từ trái phiếu với lãi suất cao.

Chống đô la hóa không đạt mục đích

“Việc chống đô la hóa của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu khi không làm giảm tỷ lệ đô la hóa xuống, ngược lại tỷ lệ này đang tăng lên” - đó là nhận định mới đây của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC). Số liệu dẫn ra cho thấy huy động ngoại tệ trong năm 2015 tăng tới 14,3%, cao hơn rất nhiều so với mức 4,7% của năm 2014. Điều đáng nói, huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ đột biến trong 4 tháng cuối năm 2015, tức vào thời điểm lãi suất tiền gửi USD đã về gần mức 0%. Lý giải về điều này, ông Trương Văn Phước cho rằng việc đô la hóa nền kinh tế gia tăng do Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đã tác động tới tâm lý của người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ gửi vào hệ thống NH.

Ảnh minh họa.

Tỷ lệ vốn trung, dài hạn tăng là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lành mạnh khi việc đầu tư dài hạn tăng lên. Tuy nhiên, rủi ro hệ thống tài chính lại tăng do sự mất cân đối giữa kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. NHNN muốn bịt “lỗ hổng” này bằng cách sửa đổi Thông tư 36 được ban hành năm 2014 để giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn từ mức 60% xuống còn 40%.
 
Còn nhớ những quyết định lịch sử của NHNN trong việc chống đô la hóa nền kinh tế từ ngày 18-12-2015, mọi khoản tiền gửi bằng USD lãi suất 0%. Trước đó vào 25-9-2015, NHNN đã tiến hành trước một bước hạ mức lãi suất về 0% đối với tiền gửi của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh NH nước ngoài). Do vậy NHNN kỳ vọng sẽ chuyển quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán. Theo đó, tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng sẽ bị triệt tiêu khi giữ USD không còn mang lại nhiều lợi ích như trước. Đồng thời hướng đến mục tiêu lớn hơn là tỷ giá sẽ ổn định và giá trị tiền đồng sẽ tăng lên. Tất nhiên, NHNN hoàn toàn có cơ sở vì người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ để chuyển sang gửi bằng tiền đồng với lãi suất lên đến 6-10%/năm. Mức lãi suất này hoàn toàn có thể bù lại việc tiền đồng mỗi năm chỉ mất giá 1-3%, tối đa cũng chỉ khoảng 5%. Việc đô la hóa nền kinh tế sẽ dần giảm xuống, tình trạng găm giữ ngoại tệ sẽ giảm.

Kỳ vọng là vậy, nhưng hiện nay đang diễn ra hoàn toàn khác khi đồng USD vẫn được gửi vào NH bất chấp không có lãi suất. Rõ ràng, dù dùng biện pháp “mạnh” trong việc chống đô la hóa của nền kinh tế nhưng NHNN vẫn chưa đạt được mục đích. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là việc đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% không ảnh hưởng đến thị trường. Giả sử nếu không có giải pháp này, tăng trưởng huy động bằng ngoại tệ có thể cao hơn so với con số hiện nay.

Vẫn vay ngoại tệ lãi suất cao

Một nghịch lý khác hiện tại không ít người đặt ra là tại sao nhiều NH, tổ chức và Chính phủ vẫn đi vay USD trên thị trường quốc tế với lãi suất rất cao, trong khi đó lại “miễn phí” khi huy động trong nước. Ngay cả nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cũng thắc mắc về vấn đề này tại Hội thảo "Công bố báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo": Tại sao NH Việt Nam lại phải vay ngoại tệ ở nước ngoài? Thí dụ mới đây, một NH lớn đã phải vay các NH quốc tế hàng trăm triệu USD. Thông tin này của nguyên Thống đốc trùng hợp với sự kiện tại Đài Bắc mới đây, VietinBank đã ký kết hợp đồng vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với 18 NH quốc tế lớn. Trên thực tế hiện nay cũng có không ít doanh nghiệp lớn của Việt Nam vay ngoại tệ nước ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất USD trong nước, chẳng hạn các tập đoàn lớn như Masan, Hoàng Anh Gia Lai… đến ngay như Chính phủ cũng phải huy động hàng tỷ USD từ vốn trái phiếu quốc tế với lãi suất rất cao. Mới đây, Chính phủ còn trình Quốc hội phương án đảo nợ với mức lãi suất huy động từ phát hành trái phiếu cũng không hề thấp.

Ông Thúy băn khoăn: “Tôi biết nhà kinh doanh không bao giờ dại dột đi vay lãi suất cao, nên cần suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này". Những thắc mắc của vị đứng đầu NHNN một thời cũng chính là một câu hỏi nhức nhối hiện nay của hệ thống tài chính Việt Nam. Việc tìm ra câu trả lời có lẽ cũng không quá khó, nhưng đâu là giải pháp thì có lẽ mới là vấn đề chính. Những số liệu mới đây được ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC, phần nào hé lộ. Cụ thể, trong năm 2015, tín dụng trung, dài hạn tăng 29%, trong khi vốn huy động trung, dài hạn chỉ 10%. Tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên tới 31,8%, cao hơn nhiều so với mức 20,2% của năm 2014. Hiện tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng, trước đó năm 2014 chiếm 45,4%, năm 2013 là 43,1%.

Trở lại tình trạng đô la hóa nền kinh tế gia tăng còn xuất phát từ vấn đề tâm lý của người dân do lo ngại về sự mất giá của tiền đồng. Thực tế trong thời gian qua tâm lý kỳ vọng này không chính xác, bởi tỷ giá hiện nay đang ở mức thấp hơn nhiều so với hồi cuối năm. Do vậy, nếu gửi bằng đô la họ bị thiệt hại không nhỏ. Tuy nhiên, rủi ro của việc tiền đồng mất giá là không hề nhỏ bởi sự biến động của kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian qua khá lớn. Do đó họ chọn gửi USD để “mua” sự yên tâm. Không ít doanh nghiệp, NH hay thậm chí Chính phủ vẫn phải cắn răng trả lãi suất cao cho USD xuất phát từ nguyên nhân chính nằm ở “kỳ hạn”, vì phần lớn tiền gửi bằng ngoại tệ có kỳ hạn rất ngắn. Trong khi đó những khoản vay ngoại tệ của Chính phủ và doanh nghiệp có kỳ hạn rất dài và số vốn rất lớn. Do vậy, lựa chọn tốt nhất và khả thi nhất vẫn là vay vốn dài hạn ở nước ngoài dù phải chịu lãi suất cao hơn.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top