Chuyện “khó tin” ở Nà Hỳ

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 2237 In bài viết
ĐBP - Cánh đồng Nà Hỳ (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) có diện tích lớn nhất huyện với gần 100ha. Nơi đây được ví như “cánh đồng Mường Thanh thu nhỏ” của Nậm Pồ bởi cánh đồng được bao bọc giữa trập trùng đồi núi. Tiềm năng, lợi thế như vậy nhưng bao đời nay, đồng bào các dân tộc: Thái, Mông, Dao... sinh sống ở Nà Hỳ chỉ quen với việc canh tác lúa vào mùa mưa (vụ mùa), đáp ứng nhu cầu lương thực theo hướng tự cung, tự cấp manh mún. Nhưng năm nay đã khác, lần đầu tiên trong lịch sử, ở cánh đồng Nà Hỳ, lúa chiêm xuân được gieo cấy, mở ra một chương mới với nhiều hy vọng mới để phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng đất còn nhiều gian khó này.

Ông Lò Văn Chuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: Vụ mùa năm 2015, nông dân toàn xã gieo cấy lúa trên diện tích gần 138ha, năng suất 45 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 620 tấn. Nhưng đó là lúa vụ mùa, còn lúa chiêm xuân thì trước đây nông dân Nà Hỳ chưa từng gieo cấy. Việc tuyên truyền để người dân gieo cấy lúa 2 vụ tại cánh đồng Nà Hỳ, tiến tới làm 2 vụ trên toàn xã đã được Huyện ủy, UBND huyện Nậm Pồ xác định ngay từ khi thành lập (năm 2013). Nhưng có nhiều nguyên nhân khiến người dân không thiết tha với lúa chiêm xuân như: thủy lợi còn hạn chế; gia súc thả rông phá... dẫn đến đến năng suất đạt thấp và điều căn bản nhất chính là nhận thức của người dân trên địa bàn.

Lúa xuân phủ xanh cánh đồng Nà Hỳ.

Với suy nghĩ “chỉ cần đủ gạo ăn trong năm là được, cấy nhiều mất công chăm sóc, bảo vệ mà chắc gì đã có thu hoạch”. Vì vậy, ban đầu việc tuyên truyền, vận động để người dân sản xuất lúa 2 vụ gặp rất nhiều khó khăn, có lúc tưởng như... bất khả thi. Chỉ đến vụ chiêm xuân 2014 - 2015, khi người dân đồng ý triển khai trồng màu (lạc cao sản) đã tạo tiền đề cho lúa xuân phủ xanh trên cánh đồng Nà Hỳ. Kết quả, vụ chiêm xuân 2015 – 2016, bằng sự quyết tâm của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở và niềm tin của người dân Nà Hỳ, 11ha lúa đã được người dân gieo cấy vượt chỉ tiêu huyện giao (UBND huyện Nậm Pồ giao xã Nà Hỳ gieo trồng 10ha lúa vụ chiêm xuân 2015 - 2016), hiện lúa đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn cho năng suất cao khiến người nông dân rất phấn khởi. Có “cánh đồng mẫu” Nà Hỳ làm điển hình, trong năm tới, xã sẽ triển khai, hỗ trợ để bà con nông dân các bản: Xín Chải 1, 2, Huổi Cơ Dạo gieo cấy, tăng diện tích lúa chiêm xuân trên toàn xã. 

Nói về công tác vận động người dân trồng màu trên cánh đồng Nà Hỳ - tiền đề cho việc triển khai gieo cấy lúa 2 vụ, ông Lường Văn Chung, trưởng bản Nà Hỳ I chia sẻ: Ngay từ khi có chủ trương trồng màu, rất nhiều hộ dân không đồng tình, bởi trên cánh đồng Nà Hỳ, từ trước đến nay có tập quán thả gia súc sau khi thu hoạch vụ mùa, việc trồng màu trên đồng nhưng không rào giậu kiên cố thì chẳng khác nào làm cho... trâu, bò ăn! Trong khi diện tích đồng rộng, điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế. Trước tình hình đó, với quyết tâm phải thực hiện bằng được chủ trương cần thiết này, tôi đã chủ động lên gặp Chủ tịch UBND xã Lò Văn Khan đề xuất phương án triển khai. Cụ thể, bản lập quy ước quy định việc kiểm soát gia súc, mỗi người dân để gia súc xâm phạm diện tích trồng hoa màu sẽ bị phạt 100.000 đồng, nếu chống đối sẽ có sự can thiệp của lực lượng chức năng. Đề xuất này của tôi đã được chính quyền xã nhất trí, thông qua. Từ đó, người dân đã dần hình thành nề nếp, triển khai và tập trung chăm sóc diện tích gần 4ha lạc cao sản. Kết quả, sau vụ màu 2014 – 2015, nông dân cánh đồng Nà Hỳ đã thu hoạch được  gần 130 tấn (bằng 1/2 tổng sản lượng lạc vụ chiêm xuâ toàn xã). Nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc sản xuất chiêm xuân đem lại, vụ chiêm 2015 – 2016 người dân đã mạnh dạn gieo trồng 11ha lúa giống bắc thơm 828, nếp tròn và tám thơm địa phương trên cánh đồng Nà Hỳ.

Người dân chăm sóc lúa chiêm xuân trên cánh đồng Nà Hỳ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ khẳng định: Tăng diện tích lúa nước, thâm canh tăng vụ là chủ trương lớn của Nhà nước, nhất là khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Nậm Pồ. Cánh đồng Nà Hỳ vốn có lịch sử lâu đời và những lợi thế nhất định, việc triển khai gieo cấy lúa 2 vụ, dần chuyển dịch từ tự cung, tự cấp, manh mún, lạc hậu vươn lên sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen canh tác lâu đời của người dân không hề đơn giản, huyện đã đề ra định hướng chỉ đạo: đi đôi với tuyên truyền, vận động thì cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp. “Kỷ luật tạo thành công”, có thể ban đầu bà con còn khiên cưỡng nhưng khi nhận thấy đây là định hướng, việc làm mang lại lợi ích cho mình thì họ sẽ tin tưởng, ủng hộ và nhân rộng. Mặc dù còn khó khăn về thủy lợi khi bãi tưới ở cánh đồng Nà Hỳ được quy hoạch cho 120ha nhưng hiện chỉ đáp ứng tưới tiêu cho khoảng hơn 10ha vụ chiêm nhưng huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND xã tăng cường sửa chữa mương tạm, tận dụng tối đa các khe suối nhằm mở rộng diện tích. Đồng thời, huyện cũng xây dựng phương án, đề xuất lên cấp trên đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi.    

Là một trong những hộ có diện tích gieo cấy lúa chiêm xuân lớn nhất cánh đồng Nà Hỳ với 5.000m2, ông Quàng Văn Diên (bản Nà Hỳ 1) phấn khởi chia sẻ: Chủ trương của Nhà nước là nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân, trong khi giống cũng đã được chính quyền hỗ trợ, nông dân chúng tôi chỉ phải bỏ công chăm sóc, thu hoạch nên tôi hoàn toàn ủng hộ. Đợt rét đậm, rét hại kỷ lục hồi cuối tháng 1 vừa qua khiến tôi có đôi chút lo lắng nhưng giống lúa tỏ ra thích nghi, chống chịu lạnh tốt nên không bị thiệt hại nào đáng kể. Sau khi được tỉa giặm, hiện lúa đã cao 30cm, hứa hẹn cho năng suất tốt.

Rời xã Nà Hỳ về trung tâm huyện, ngang qua cánh đồng vừa được khoác tấm áo mới màu xanh. Mặc dù là kết quả bước đầu nhưng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và niềm tin, sự ủng hộ, tiếp thu tích cực từ người dân, chúng tôi tin tưởng rằng “màu xanh của hy vọng” này sẽ ngày một lan tỏa, mang về mùa vàng no ấm cho những con người nơi đây.

Bài, ảnh: Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top