Dự án Di dân TĐC Thủy điện Sơn La:

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, quyết toán

00:00 - Thứ Sáu, 18/03/2016 Lượt xem: 2200 In bài viết
ĐBP - Bên cạnh việc khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Di dân TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh, hiện nay công tác giải ngân, quyết toán các dự án hoàn thành cũng đang được các cấp, ngành và địa phương tích cực triển khai.

Thực hiện Dự án Di dân TĐC Thủy điện Sơn La, Điện Biên đã phải di dời, sắp xếp TĐC cho gần 4.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời thu hồi trên 3.300ha đất trong vùng lòng hồ và đất bố trí các điểm tái định cư. Năm 2015 đã kết thúc, nhiều dự án TĐC thủy điện Sơn La vẫn chưa hoàn thành trước ngày 31/12/2015 theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhưng nhìn lại năm 2015, thấy rõ sự nỗ lực của tỉnh, thành phố, huyện để đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo chất lượng các công trình TĐC. Vì vậy, năm 2016 để các dự án hoàn thành trong thời gian sớm nhất, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quyết tâm cao của các nhà thầu, các dự án thành phần của Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công liên tục 3 ca/ngày. Việc thi công từng hạng mục dự án đều có sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư và giám sát độc lập, tiến độ các dự án đều được báo cáo kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục  để thanh, quyết toán vốn khi hoàn thành từng dự án.

Công trình đường Asean - Khe Chít 2 thuộc Dự án Di dân TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.

Thị xã Mường Lay, nơi thực hiện nhiều dự án TĐC nhất của tỉnh. Trong năm 2015, đã khởi công 25 dự án thành phần. Trong đó yêu cầu đề ra, 24 dự án phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015 (1 dự án cho phép được giãn tiến độ sang năm 2016). Ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban Quản lý dự án TX. Mường Lay cho biết: Tổng số dự án thành phần xây dựng các khu điểm TĐC UBND tỉnh giao cho UBND TX. Mường Lay làm chủ đầu tư là 81 dự án với tổng mức đầu tư trên  1.455 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng là 57 dự án; 24 dự án đang triển khai. Để đảm bảo tiến độ, lãnh đạo UBND, Ban QLDA thị xã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, tăng ca kíp làm việc, thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo theo ngày, theo tuần. Đồng thời kiên quyết xử lý dứt điểm một số nhà thầu không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Cùng với TX. Mường Lay, TP. Điện Biên Phủ cũng đang thực hiện 30 Dự án thành phần tái định cư Thủy điện Sơn La với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Hiện thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 24 dự án. 6 dự án còn lại và 2 dự án bổ sung đang gặp một số vướng mắc, nhất là về vốn và giải phóng mặt bằng.

Việc giải ngân, quyết toán các dự án hoàn thành cũng đang được các đơn vị tập trung hoàn tất. Với tổng kế hoạch vốn Chính phủ giao cho tỉnh lũy kế từ khi thực hiện Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La đến hết tháng 9/2015 là trên 5.797 tỷ đồng. Tổng số dự án thành phần thuộc Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La là 292 dự án, tổng vốn xây dựng cơ bản là trên 5.037 tỷ đồng. Số dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán là 138 dự án, với tổng giá trị đã phê duyệt quyết toán trên 3.149 tỷ đồng, đạt 43% so với tổng vốn xây dựng cơ bản và đạt 58% so với kết quả giải ngân. Riêng Kế hoạch vốn di dân tái định cư thủy điện Sơn La năm 2014 kéo dài 750 tỷ đồng, đến hết tháng 9/2015 đã giải ngân được trên 430 tỷ đồng. Vốn kế hoạch năm 2015 là 100 tỷ đồng, đã giải ngân gần 39 tỷ đồng. Đến hết tháng 2/2016, đã thực hiện giải ngân, thanh toán vốn các dự án TĐC Thủy điện Sơn La được trên 492 tỷ đồng, đạt hơn 72% kế hoạch.

Theo báo cáo của các địa phương thực hiện dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, hầu hết tiến độ triển khai các hạng mục, giải ngân vốn, quyết toán dự án hoàn thành đều chậm so với kế hoạch. Ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban quản lý Dự án TP. Điện Biên Phủ cho hay, hiện tại, đơn vị chủ đầu tư và các ngành liên quan của tỉnh đang phối hợp chặt chẽ, tìm phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện giải ngân và quyết toán các dự án hoàn thành. Song vấn đề quan trọng hiện nay, là phải giải phóng và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu. Tuy nhiên, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, gây nhiều bức xúc cho người dân. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân, quyết toán chậm. Tính riêng địa bàn TP. Điện Biên Phủ, kết quả giải ngân các dự án thành phần là 663,363 tỷ đồng, đạt 60% so với tổng vốn xây dựng. Số dự án đã có quyết định phê duyệt quyết toán là 15 dự án, với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng, đạt 6,4% so với tổng vốn xây dựng cơ bản và đạt 10,6% so với kết quả giải ngân. Số dự án chưa có quyết định phê duyệt quyết toán 15 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.035.961 tỷ đồng, chiếm 93,6% so với tổng vốn xây dựng cơ bản. Vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, cũng như hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để giải ngân, quyết toán vốn cho các công trình đã hoàn thành.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top