Các dự án giao thông trọng điểm

Chờ gỡ vướng về kinh phí...

00:00 - Thứ Hai, 21/03/2016 Lượt xem: 1993 In bài viết
ĐBP - Trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, giao thông đóng vai trò quan trọng. Nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên, những dự án đầu tư đồng bộ cho hạ tầng giao thông luôn được sự quan tâm, mong đợi của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong giai đoạn cắt giảm đầu tư công như hiện nay, bài toán kinh phí luôn là nút thắt khó gỡ của các dự án giao thông trọng điểm.

Tại buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 14/3 vừa qua, trong tổng số 14 kiến nghị, đề xuất của tỉnh với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, có 9 nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông. Trong 9 kiến nghị, đề xuất này, có các dự án giao thông quan trọng đang thi công nhưng thiếu vốn hoặc đã được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt nhưng chưa bố trí vốn...

Tuyến đường km45 (quốc lộ 4H) - Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) đã hoàn thành 74% khối lượng nhưng đang ngưng trệ vì chưa có vốn.

Theo báo cáo của lãnh đạo ngành Giao thông thì hầu hết các đề án, dự án lớn đầu tư cho hạ tầng giao thông đều vướng vì khâu bố trí vốn. Ví như tuyến đường Km45 (quốc lộ 4H) - Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ). Đây là 1 trong 7 tuyến giao thông cấp bách được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư theo Thông báo số 144/TB-VPCP, ngày 16/6/2011 của Văn phòng Chính phủ với tổng mức đầu tư hơn 439 tỷ đồng. Đây là tuyến đường nối trung tâm tỉnh với huyện Nậm Pồ - một huyện mới chia tách với những điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Tuyến đường này được khởi công từ tháng 12/2013, dự kiến hoàn thành giữa năm 2015 nhưng đến thời điểm này (tháng 3/2016) công trình đạt khoảng 74% khối lượng xây lắp. Nguyên nhân chính khiến công trình chậm tiến độ là hiện vẫn chưa được Chính phủ bố trí vốn đầu tư. Để khẩn trương thi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của địa phương, tỉnh đã chủ động vay vốn tín dụng để xây dựng tuyến đường nhưng số vốn vay 260 tỷ đồng hiện nay đã hết, phần lớn tuyến đường Km45 (quốc lộ 4H) - Nà Hỳ hiện chỉ đáp ứng nhu cầu lưu thông trong điều kiện thời tiết khô ráo.

Tương tự, Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B, tỉnh Điện Biên được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 230/QĐ-BGTVT ngày 22/1/2016. Tuyến đường này đi qua Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tại Quyết định số 1465/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, trong Dự án chưa bố trí đầu tư các hạng mục như: cảnh quan 2 bên đường, điện chiếu sáng, bãi đỗ xe cho du khách vào khu di tích... trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương của tỉnh hiện nay rất hạn hẹp. Để đảm bảo tính đồng bộ, đồng thời phát huy hiệu quả khu di tích, vừa qua tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét bổ sung. Ngoài ra, các dự án như: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12 (đoạn Km194 - Km204+163) với tổng mức đầu tư 246 tỷ đồng đã được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cần bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai thực hiện; quốc lộ 6 đoạn huyện Tuần Giáo - TX. Mường Lay; quốc lộ 279 đoạn Điện Biên - Tây Trang, nối khu vực Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, rất quan trọng trong thúc đẩy quan hệ đối ngoại và giao lưu kinh tế, thương mại giữa 2 khu vực nhưng hiện đã xuống cấp trầm trọng, cần khẩn trương đầu tư (nội dung này tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết).

Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030,  với tổng chiều dài trên 2.800km. Đây là đề án rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến trên 3.800 tỷ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 2.800 tỷ đồng). Với một tỉnh còn nghèo, 90% nguồn thu ngân sách, gần 100% nguồn vốn đầu tư phát triển là từ nguồn hỗ trợ của Trung ương như Điện Biên rất cần Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện. 

Chia sẻ với chúng tôi về phương hướng, định hướng của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tại Điện Biên, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết: Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, cơ bản những đề xuất, kiến nghị của tỉnh trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, ủng hộ và sẽ có phương hướng chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, đề ra phương hướng thực hiện. Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã phát biểu ý kiến chấp thuận bổ sung các hạng mục: cảnh quan 2 bên đường, điện chiếu sáng, bãi đỗ xe cho du khách, thuộc Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ vào Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B; đồng thuận với đề nghị của tỉnh về tái khởi động Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6, đoạn huyện Tuần Giáo - TX. Mường Lay, quốc lộ 279 đoạn Điện Biên - Tây Trang bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Đó chính là những động thái tích cực từ Trung ương nhằm gỡ vướng cho Điện Biên. Tuy nhiên, từ nay đến khi có kết luận chính thức từ Thủ tướng Chính phủ, chúng ta vẫn phải đợi và hy vọng...

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top