Sa Dung tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

00:00 - Thứ Hai, 21/03/2016 Lượt xem: 1776 In bài viết
ĐBP - Sa Dung là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Điện Biên Đông với hơn 1.500ha rừng khoanh nuôi, gần 4.600ha rừng phòng hộ và trên 1.000ha rừng sản xuất. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng, đặc biệt là trong thời điểm mùa hanh khô như hiện nay.

Ông Chá Chồng Chu, Chủ tịch UBND xã Sa Dung cho biết: Đợt rét đậm, rét hại, băng tuyết xảy ra trên địa bàn xã hồi cuối tháng 1/2016 đã khiến trên 596ha rừng, với 7/19 bản của xã bị thiệt hại, không khí lạnh khiến cây đóng băng, rụng lá, đổ gãy. Tập trung nhiều nhất tại các bản Nà Sản B, 100% diện tích rừng rộng gần 190ha của bản đã rụng hết lá, gãy đổ hoặc chết; bản Nà Sản A cũng thiệt hại toàn bộ 84ha rừng phòng hộ; bản Thẩm Mý A, B 179ha (100% diện tích); Sa Dung A gần 48ha (trên 80%)… Gần 2 tháng sau đợt rét kỷ lục, tình trạng sinh tồn của cây trong các diện tích rừng bị thiệt hại vẫn đang được các đơn vị chuyên môn khảo sát, đưa ra các phương án phục hồi. Tuy nhiên, khi tình hình thời tiết nắng khô hanh, gió Lào bắt đầu thổi như hiện nay, thảm lá, cành, thân cây gãy, rụng đã khô, chất dày trong rừng, nguy cơ cháy lớn, liên hoàn từ bản này sang bản khác, xã này sang xã khác đang hiện hữu. Vì vậy, nhiệm vụ trọng điểm, khẩn cấp của Hạt  Kiểm lâm huyện, kiểm lâm viên, chính quyền và nhân dân xã Sa Dung là phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân, xã đã tổ chức trực 24/24, cử tổ công tác thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân, cùng người dân lập đường băng cản lửa, đồng thời tổ chức các buổi tuyên truyền, ký cam kết phòng, chống cháy rừng. Đặc biệt, do thảm lá, cành khô dưới tán rất dễ bén lửa và gây khó khăn cho việc cứu chữa cháy, theo chỉ đạo của huyện, xã đã cho phép người dân tận thu những thân, cành gãy về sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền xã.

Ông Lò Văn Hương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Điện Biên Đông cho biết: Vào thời điểm này, các xã đang gấp rút chuẩn bị mọi phương án đối phó với giặc lửa, các bản đã xây dựng đường băng cản lửa giữa các khu vực làm nương rẫy với khu có rừng. Tổ chức ký cam kết với từng bản và 100% hộ dân về bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm cùng với các ngành liên quan vừa tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, vừa triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, phối hợp với công an, quân sự, chính quyền các xã… trong công tác kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với Phì Nhừ, xã Sa Dung là 1 trong 2 địa bàn có rừng bị thiệt hại lớn nhất sau đợt rét, để rừng tại các xã này không tiếp tục bị hủy hoại bởi thiên tai, hỏa hoạn, Hạt Kiểm lâm Điện Biên Đông đã chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn bám sát thực địa, cùng người dân trên địa bàn bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng... còn phải tăng cường kiểm tra, thống kê tình trạng sinh tồn của cây, kịp thời báo cáo cho cấp trên. Được biết, trong ngày 19/3, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyến khảo sát thực địa rừng tại xã Sa Dung và đề ra các phương án hỗ trợ, phục hồi.

Đức Duy
Bình luận
Back To Top