Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên

Tăng cường phòng, chống cháy vườn cây cao su

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 3533 In bài viết
ĐBP - Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4/2016, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, gió Lào thổi mạnh, kết hợp với việc người dân tập trung đốt nương chuẩn bị mùa gieo hạt mới, đồng thời, là lúc các vườn cây cao su kết thúc chu kỳ rụng lá, thảm thực bì dưới tán cao su dày, rất dễ bắt lửa gây cháy. Trước tình hình đó, Công ty Cổ phần (CP) Cao su Điện Biên đã chỉ đạo các nông trường, đội, tổ cơ sở tạm ngừng công tác chăm sóc, xây dựng phương án, tập trung nhân lực, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cháy nhằm giảm thiểu thiệt hại vườn cây cao su, nhất là những diện tích chuẩn bị cho thu hoạch.

Hiện nay, Công ty CP Cao su Điện Biên có 3.766,7ha cao su được trồng trên địa bàn 5 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, có 672,96ha cây cao su trồng năm 2008, chuẩn bị cho thu hoạch vào cuối năm 2016. Trong vài tuần trở lại đây, nhiều diện tích rừng trên địa bàn các huyện: Điện Biên; Tuần Giáo; Mường Chà (3 huyện trọng điểm trồng cao su của Công ty) liên tục xảy ra cháy. Cùng với đó, việc người dân vùng cao tập trung đốt nương làm tăng nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lan gây thiệt hại đến các vườn cao su. Chính vì vậy, công tác phòng, chống cháy và ngăn chặn cháy rừng lan rộng gây thiệt hại đến các vườn cây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của Công ty CP Cao su Điện Biên.

Công nhân Đội cao su Thanh Nưa 1 phát dọn thực bì dưới tán vườn cao su.

Ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho các vườn cây cao su trong giai đoạn cao điểm mùa hanh khô, hay xảy ra cháy rừng, Công ty đã chỉ đạo các nông trường, đội, tổ cao su tại cơ sở tạm ngừng công tác chăm sóc để tập trung nhân lực, phương tiện thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cháy. Đặc biệt là tại những diện tích cây cao su được trồng năm 2008, chuẩn bị cho thu hoạch”.

Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống cháy và xây dựng, phổ biến các phương án phòng, chống cháy vườn cao su tới các đơn vị trực thuộc. Các đơn vị cơ sở tập trung phát đường băng cản lửa, phát dọn thực bì trong vườn cây, phân công lịch trực tại các điểm nóng, dễ xảy ra cháy. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, các đơn vị phải tăng cường phối hợp với chính quyền xã, bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân đốt nương an toàn, tránh gây cháy rừng, cháy vườn cây cao su, nhất là những hộ có diện tích canh tác gần vườn cao su.

Đội Cao su Thanh Nưa 1 (xã ThanhNưa, huyện Điện Biên) phụ trách quản lý, chăm sóc và bảo vệ gần 200ha cao su. Trong đó, phần lớn diện tích cây cao su được trồng từ năm 2008. Anh Lê Văn Định, Đội trưởng đội Cao su Thanh Nưa 1 cho biết: Phần lớn diện tích cao su của đội đã được công ty đưa vào kế hoạch khai thác mủ cuối năm 2016 nên công tác quản lý, bảo vệ vườn cây được chú trọng hàng đầu. Bước vào mùa khô năm 2016, khi vườn cây kết thúc chu kỳ rụng lá, đơn vị đã tập trung công nhân phát dọn, gom thực bì dưới tán cây đi đốt, phát đường băng cản lửa, kiểm tra các phương tiện phòng, chống cháy như: Máy phun nước cứu hỏa, các dụng cụ bảo hộ cho công nhân… Đội phối hợp với trưởng các bản có diện tích nương gần vườn cây cao su tham gia các buổi họp bản, lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách đốt nương, các khung thời gian đốt nương an toàn và trực tiếp tham gia đốt nương của người dân, vừa để hướng dẫn vừa theo dõi nhằm đảm bảo an toàn cho vườn cây cao su. Nhờ đó, vườn cây cao su luôn được bảo vệ an toàn, không xảy ra cháy tại vườn cây hoặc cháy do người dân đốt nương gây ra.

Anh Lê Văn Quý, Đội trưởng Đội cao su Mường Pồn 2 (huyện Điện Biên), cho biết: Để phòng, chống cháy vườn cây cao su, ngoài việc phát dọn thực bì dưới tán, phát đường băng cản lửa, đơn vị đã phối hợp với các bản, các hộ dân có nương canh tác gần vườn cây, qua đó nắm rõ thời gian người dân đốt nương để kiểm tra, theo dõi và kịp thời xử lý khi có sự cố. Tại những lô cao su tiếp giáp với rừng, có nguy cơ cháy cao, đơn vị đã dựng lán bảo vệ, tập kết phương tiện và cắt cử người túc trực ngày đêm để theo dõi. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của đội và sự phối hợp của bà con các bản lân cận, đến nay, vườn cây cao su không xảy ra cháy, cây cao su phát triển tốt đúng quy trình kỹ thuật chờ ngày khai thác mủ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top