Mường Ảng tập trung nhân lực chăm sóc cây cà phê

00:00 - Thứ Sáu, 25/03/2016 Lượt xem: 2338 In bài viết
ĐBP - Thời điểm này, nông dân huyện Mường Ảng đang tập trung chăm sóc cây cà phê. Hiện toàn huyện có 3.428ha cà phê, tập trung ở thị trấn và các xã: Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang. Dự kiến năm 2016, toàn huyện sẽ trồng mới trên 79ha cà phê.

Chị Lò Thị Mười, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng đưa chúng tôi đến khối 1, thị trấn Mường Ảng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những hộ nông dân nơi đây xới gốc, bón phân cho cây cà phê. Anh Phạm Văn Thuận, cho biết: Gia đình anh trồng gần 3ha cà phê. Trước tết, gia đình đã tỉa cành, làm cỏ; thời điểm sau tết chủ yếu xới gốc để bón phân. Nhìn đống vỏ cà phê đã được ủ kỹ để bón cà phê, anh Thuận tiếp lời. Cà phê là loại cây “nhà giàu” do đó muốn cho năng suất và sản lượng cao thì quy trình chăm sóc cần đúng yêu cầu kỹ thuật. Thu hoạch xong cắt bỏ cành nhỏ, cành sâu, cành khô… sau đó dùng phân chuồng hoai mục để bón gốc; đảm bảo bón đủ lượng đạm, lân, kali để không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Năm vừa qua, mưa nhiều, độ ẩm cao, do đó cây cà phê có điều kiện để phát triển. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cà phê của anh Thuận năm nào cũng đạt năng suất trung bình 2 - 2,2 tấn/ha.

Nông dân khối 1, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng sử dụng phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê để chăm sóc cây cà phê.

Gia đình anh Nguyễn Quang Thọ, cũng ở khối 1 thị trấn có diện tích gần 3ha cà phê. Anh cho biết, trong vài năm trở lại đây, giá cà phê trấu chững, người trồng cà phê không có lãi mà lại tốn nhiều công chăm sóc và phân bón, nên gia đình anh duy trì những diện tích cà phê hiện có, chứ chưa tính đến trồng mới. Hiện nay, cà phê đang chuẩn bị rộ hoa, đây cũng là thời điểm quan trọng quyết định đến sản lượng, nên ngoài việc tiến hành bón phân, giữ độ ẩm, thì cần phải phòng, chống tốt các bệnh trên cà phê; đặc biệt là bệnh mọt đục quả. Bệnh này chủ yếu trên quả cà phê còn xanh và quả chín do đó tiến hành vệ sinh vườn cà phê sau thu hoạch sẽ phòng chống tốt mầm bệnh.

Trong đợt rét đậm vừa qua, một số diện tích cà phê thuộc bản Mánh Đanh, xã Ẳng Cang và một số diện tích cà phê giáp đèo Tằng Quái bị táp lá, nông dân đã cắt cành, bón gốc giữ ẩm, giữ ấm và tiếp tục bón phân để cà phê phục hồi. Gia đình anh Lò Văn Tiến, xã Ẳng Cang có trên 1ha cà phê bị ảnh hưởng do giá rét, cho biết: Do nhiệt độ xuống thấp nên phần lớn diện tích cà phê của gia đình bị táp lá, để phục hồi diện tích này, gia đình anh đã cắt bỏ những cành bị chết, bón phân; đến nay đã cơ bản phục hồi. Tuy nhiên, phải đầu tư nhiều hơn vụ trước thì mới mong được thu hoạch vụ cà phê này.   

Ông Ngô Cương Quyết, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Trồng cây cà phê đòi hỏi nhiều công chăm sóc mới đảm bảo năng suất và sản lượng. Do đó, cà phê phải được chăm bón thường xuyên, thăm vườn để phát hiện sâu bệnh kịp thời; bởi nếu quá trình chăm sóc ngắt quãng không đúng quy trình kỹ thuật sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng. Từ nhiều nguồn vốn giảm nghèo, trong những năm qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn quy trình chăm sóc cà phê theo phương pháp mới, giảm chi phí, năng suất sản lượng cao. Do đó, sản lượng cà phê trong toàn huyện hàng năm đạt 5.700 tấn cà phê trấu; trung bình 1,9 tấn cà phê trấu/ha.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top