Tạo "bệ đỡ" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển:

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

00:00 - Thứ Ba, 29/03/2016 Lượt xem: 1964 In bài viết
Doanh nghiệp (DN) dựa vào quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận, chưa phát triển trên thực lực; thị trường thiếu vắng thương hiệu lớn có sức dẫn dắt... - Đây chính là những điểm yếu của DN vừa và nhỏ trong quá trình cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Phải làm gì để nâng cao sức cạnh tranh cho DN, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp, trong đó DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế?

Việt Nam phấn đấu sớm đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp dân doanh.

Thiếu vắng thương hiệu lớn

Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) Tô Hoài Nam nhận định, đang xuất hiện nguy cơ DN nào có quan hệ tốt với chính quyền, sẽ dễ tiệm cận tài nguyên đất, khoáng sản, các gói thầu... Hệ quả là xuất hiện tâm lý trong một bộ phận không nhỏ doanh nhân vì sự "sinh tồn" phải chạy theo xu thế "kinh doanh quyền lực".

Cũng theo ông Tô Hoài Nam, DN dân doanh đang có biểu hiện "đuối sức" trước xu thế gia tăng cạnh tranh khi hội nhập, do tâm lý tham gia vào những lĩnh vực dễ kiếm lợi nhuận nhờ khai thác được mối "quan hệ" với cơ quan công quyền. "Hoạt động của DN không thể hiện đúng thực tiễn và làm méo mó bức tranh kinh tế chung. Không ít đơn vị làm ăn hiệu quả hoặc thất bại, chưa chắc đã do chủ quan DN, mà vì yếu tố khác chi phối" - Ông Nam lo ngại.
 

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương):
Phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước đối với tăng trưởng kinh tế

Giải quyết đồng bộ việc ban hành và thực thi các quy định pháp luật từ khâu khởi sự DN, gia nhập thị trường, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường và giải thể, phá sản, rút khỏi thị trường của DN. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong thực thi pháp luật về kinh doanh, cạnh tranh; cần rà soát và hoàn thiện cơ chế thực thi và phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương, nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển và tăng trưởng kinh tế. Khơi thông các thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ...

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đội ngũ DN dân doanh thiếu vắng những thương hiệu lớn, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa, làm chỗ dựa cho các DN nhỏ trên thương trường. Mặt khác, DN cũng thiếu sự chủ động kết nối với các cơ quan có thẩm quyền, tham vấn và gợi ý vào việc xây dựng pháp luật, tương thích với tập quán quốc tế trong bối cảnh hội nhập.

Báo cáo kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 90/189 nền kinh tế, chỉ đạt mức trung bình. Một số tiêu chí, lĩnh vực được đánh giá thấp như: Nộp thuế (168/189), bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (122/189), giải thể DN (123/189), khởi sự kinh doanh (119/189)… So với khu vực và nhóm ASEAN 6, mức độ thuận lợi đối với kinh doanh của Việt Nam thấp hơn hẳn.

Phấn đấu sớm có 2 triệu DN tư nhân

Từ góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn kiến nghị, cần khuyến khích, tạo điều kiện để DN phát huy quyền giám sát, thường xuyên đánh giá, thậm chí "chấm điểm" các cơ quan quản lý theo định kỳ. Hơn thế, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động quan tâm, chủ động chọn lựa doanh nhân tiêu biểu tham gia vào cơ quan hữu quan, có tiếng nói kịp thời nhằm bảo vệ quyền lợi DN, cũng như có ý kiến phản hồi với cơ quan chức năng.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014 cả nước có 74.842 DN đăng ký thành lập mới và có 15.419 DN quay trở lại hoạt động. Cùng trong năm 2014, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 71.391 DN. Trong số này có 15.649 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Tương tự, năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới và số gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 71.391 DN. Như vậy, trung bình mỗi năm, số DN thành lập mới và hoạt động trở lại sau khi trừ đi số giải thể và tạm dừng hoạt động chỉ còn khoảng trên 20.000 DN, trong số đó có trên 90% là DN tư nhân. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam có khoảng trên 600.000 DN tư nhân - DNNVV. Vì vậy, nhìn xa để đạt mục tiêu có 2 triệu DN tư nhân hoạt động trên khắp cả nước là không đơn giản.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng cơ quan quản lý vẫn cần nỗ lực trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả. Chính phủ đã xác định DN tư nhân là động lực của nền kinh tế; từ đó hướng tới môi trường hoạt động phục vụ DN. Trong khi đó, mỗi DN cũng cần chủ động đầu tư sản phẩm có tính sáng tạo để tồn tại, thay vì tâm lý dựa vào "quan hệ" để tìm kiếm lợi nhuận.

Cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo "bệ đỡ" cho DN hoạt động thuận lợi là vấn đề cấp thiết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất, trước hết cơ quan quản lý phải có biện pháp hạn chế tiêu cực, lợi ích nhóm, vấn nạn chi phí không chính thức thông qua làm tốt quy hoạch, tăng chất lượng công tác dự báo, cung cấp đầy đủ thông tin cho DN. Cùng với đó, sớm tạo dựng nền kinh tế thị trường đầy đủ, phù hợp với các cam kết quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP, cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Phát biểu tại hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới và phát triển DN" do Ban Kinh tế trung ương, VCCI, WB tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN là chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa khu vực tư nhân, cũng như với DN khởi nghiệp… Quan điểm đã rõ, vấn đề còn lại là làm sao hiện thực hóa mục tiêu trên, trong đó, Việt Nam cần sớm trở thành quốc gia khởi nghiệp và sớm có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân. 

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top