Nâng cao năng lực sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn

00:00 - Thứ Tư, 30/03/2016 Lượt xem: 2366 In bài viết
ĐBP - Theo Quyết định số 182/QĐ - UBND của UBND tỉnh về việc phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đoàn thể giúp xã đặc biệt khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao nhiệm vụ giúp 7 xã, đó là: Núa Ngam, Hẹ Muông, Nà Tấu (huyện Điện Biên); Búng Lao, Xuân Lao, Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) và xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé).

Sau khi khảo sát tình hình từng xã, căn cứ vào điều kiện thực tế và những khó khăn trong phát triển kinh tế, ngoài các hoạt động giúp đỡ về vật chất, động viên tinh thần, Sở thành lập tổ công tác, cử cán bộ xuống từng xã phối hợp với chính quyền địa phương đánh giá lại tình hình phát triển kinh tế, tiềm năng, thế mạnh từng vùng. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp giúp xã cụ thể. Do đặc thù của các xã đều là thuần nông, cuộc sống của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là chủ yếu, vì vậy Sở đã lựa chọn giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân là trọng tâm.

Nông dân xã Nà Tấu (huyện Điện Biên) tham quan mô hình trình diễn canh tác lúa cải tiến (SRI) do Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện.

Đơn cử, tại Núa Ngam, Hẹ Muông, cùng với việc hỗ trợ chính quyền địa phương rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng đối tượng để có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo, Sở tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ con giống cho các hộ nuôi theo mô hình cá ao nước tĩnh; kỹ thuật chăn nuôi gia súc; kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất sản phẩm nông - lâm - thủy sản và quy trình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản theo hướng an toàn. Huấn luyện nông dân chuyển giao kỹ thuật phục tráng giống lúa nương; xây dựng 1 mô hình trồng ngô lai LVN99 (10ha), 1 mô hình sản xuất lúa lai (9,6ha) để người dân tiếp cận cách thức sản xuất mới, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhận thấy tiềm năng từ phát triển lâm nghiệp, tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn; năm 2015, Sở giao cho Chi cục Phát triển lâm nghiệp hỗ trợ người dân 2 xã hơn 25.500 cây luồng Thanh Hóa; 52.500 cây keo và 8.400 cây mỡ để trồng phân tán; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng…

Còn tại xã Nà Tấu - nơi người dân hầu hết sản xuất lúa nước theo phương thức truyền thống, chưa chú trọng khâu bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại trên cây trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Bảo vệ thực vật căn cứ tình hình thực tế giúp UBND xã xây dựng đề án chi tiết xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho 1.330 nông dân tại 24 cụm bản; tổ chức 18 lớp tập huấn cho 615 lượt người về Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, An toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực sản xuất, quản lý dịch hại; hướng dẫn ủ phân hữu cơ sinh học; huấn luyện nông dân canh tác lúa cải tiến (SRI), canh tác trên đất dốc, bảo tồn phục tráng giống lúa… Chi cục cũng đã đầu tư 2 tủ thuốc bảo vệ thực vật tại xã; thường xuyên kiểm tra, tư vấn kỹ thuật giúp bà con chủ động sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác phòng trừ dịch hại trên cây trồng; thành lập, hỗ trợ duy trì hoạt động nâng cao năng lực 2 câu lạc bộ “Phụ nữ sinh kế thân thiện với môi trường” cho 60 thành viên. Tham gia sinh hoạt ở câu lạc bộ, các thành viên được trang bị kiến thức, nâng cao năng lực hạch toán kinh tế trong sản xuất cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện thành công 3 mô hình “Quản lý dịch hại trên cây lúa, điều chỉnh lịch thời vụ”, “Quản lý sâu năn" và "Trình diễn phân viên nén nhả chậm" cho gần 200 lượt hộ đã giúp nông dân thay đổi nhận thức gieo cấy, biết lựa chọn loại phân, lượng phân bón và thời điểm bón phân phù hợp để đem lại hiệu quả cao. Nhờ đo, năng suất lúa của các mô hình trình diễn đều tăng từ 10 - 15 tạ/ha, lợi nhuận tăng hơn 9,5 triệu đồng/ha so với phương pháp sản xuất truyền thống. Ngoài ra, Chi cục cũng đã đưa một số giống lúa mới vào sản xuất thử nghiệm, giúp nông dân có cơ hội lựa chọn đa dạng các giống mới thích hợp, năng suất cao. Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật đưa các giống lúa GL159, GL201, GL202, Hoa ưu 109, Delta 203, Thiên ưu 8 vào gieo cấy thử nghiệm trên tổng diện tích 4,2ha. Qua khảo nghiệm đã lựa chọn được giống lúa Hoa ưu 109, GL159 cho năng suất chất lượng gạo ngon, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương nên bà con bắt đầu đưa vào sản xuất để thay thế cho lúa bào thai - giống lúa được gieo cấy khá phổ biến tại xã.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top