Vụ phá rừng phòng hộ Mường Chà

Đâu phải lỗi hoàn toàn do dân?

00:00 - Thứ Sáu, 01/04/2016 Lượt xem: 2928 In bài viết
ĐBP - Từ ngày 10-15/3, cả trăm người dân 3 bản: Huổi Y, Huổi Quang 1, nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) phá gần 10ha rừng phòng hộ để làm nương. Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng huyện Mường Chà quy trách nhiệm cho chủ rừng là cộng đồng 3 bản nói trên và đang tiến hành các bước xử phạt. Tuy nhiên, người dân lại phản ứng rằng: Diện tích bị chặt phá là nương cũ của họ từ nhiều năm trước và họ không biết đó là rừng phòng hộ phải bảo vệ.

Bất đồng ý kiến

Sau khi xảy ra vụ việc, đại diện lãnh đạo UBND huyện Mường Chà cùng Công an, Hạt Kiểm lâm huyện đã đến xã Ma Thì Hồ họp, thống nhất phương án xử lý vụ việc trên. Kiểm tra, đối chiếu trên bản đồ giao đất, giao rừng năm 2015 cho thấy: Diện tích 9,98ha rừng bị phá thuộc tiểu khu 534, khoảnh 5, rừng phòng hộ trạng thái IIA do UBND xã Ma Thì Hồ quản lý, bảo vệ. Tại cuộc họp, ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà kết luận: “Hành vi phá rừng có tổ chức của người dân 3 bản: Huổi Y, Huổi Quang 1 và nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2 là vi phạm pháp luật, mức độ thiệt hại nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công an huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ các đối tượng khởi xướng, tổ chức phá rừng. Trường hợp không tìm ra người đứng đầu thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm, trong đó chịu trách nhiệm chính là trưởng bản”.

Đường mòn nối bản Huổi Y- nhóm 2, bản Huổi Quang 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà là ranh giới giữa diện tích rừng được bảo vệ và diện tích nương cũ của người dân.

Có mặt tại cuộc họp hôm ấy, những người đại diện cho người dân 3 bản: Huổi Y, Huổi Quang 1 và nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2 lại có ý kiến trái ngược. Ông Thào A Páo, Trưởng bản Huổi Quang 1 cho biết: “Năm 2013, khi giao đất, giao rừng trên thực địa, đơn vị tư vấn đã đồng ý việc người dân không nhận quản lý, bảo vệ diện tích rừng này, bởi đây là khu vực nương cũ của người dân trong bản”.

Tìm hiểu thực hư sự việc, phóng viên Báo Điện Biên Phủ đã đến các bản: Huổi Y, Huổi Quang 1 và nhóm dân cư số 2 - bản Huổi Quang 2 và khảo sát thực địa tại các diện tích rừng bị phá. Tại đây, 100% người dân đều xác nhận rằng diện tích rừng đó là nương cũ mà họ đã canh tác từ năm 1991. Anh Cháng A Thạy, nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2 bức xúc nói: “Tháng 4/2013, đơn vị tư vấn, kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã Ma Thì Hồ đi giao đất, giao rừng chỉ ranh giới thực địa. Mới đầu, cán bộ tư vấn giao cho chúng tôi quản lý, bảo vệ diện tích rừng cả phía trên và phía dưới con đường mòn nối bản Huổi Y với nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2, nhưng chúng tôi không đồng ý vì phía dưới đường là khu vực nương cũ. Sau gần 1 ngày tranh luận, cuối cùng đơn vị tư vấn đã thống nhất giao cho chúng tôi quản lý, bảo vệ diện tích rừng phía trên đường mòn, còn diện tích rừng phía dưới đường mòn, chúng tôi không có trách nhiệm quản lý, bảo vệ.” Nhiều người dân còn cho biết rõ cán bộ tư vấn tên là Dương Tuấn Anh đã đồng ý và còn lấy bút gạch vào bản đồ.

UBND huyện MườngChà họp thống nhất xử lý vụ phá rừng phòng hộ của người dân 3 bản: Huổi Y, Huổi Quang 1 và nhóm 2, bản Huổi Quang 2. Trong ảnh: Cán bộ Kiểm lâm huyện Mường Chà xác định vị trí rừng bị phá trên bản đồ giao đất, giao rừng năm 2015.

Tại cả đôi bên?

Do đơn vị tư vấn đã rời Điện Biên về Hà Nội sau khi hoàn thành công tác giao đất, giao rừng tại huyện Mường Chà nên chúng tôi liên hệ qua điện thoại với cán bộ Tuấn Anh – là người trực tiếp đi giao đất, giao rừng cho cộng đồng 3 bản: Huổi Y, Huổi Quang 1 và nhóm dân cư số 2 – bản Huổi Quang 2. Trao đổi về ý kiến của người dân nêu trên, anh Tuấn Anh, công tác tại Trung tâm Viễn thám và Công nghệ thông tin (Viện Điều tra quy hoạch rừng), cho biết: “Thông tin người dân phản ánh là không đúng. Đơn vị tư vấn được UBND huyện Mường Chà thuê để thực hiện công tác giao đất, giao rừng. Chúng tôi đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình là giao diện tích đất lâm nghiệp có rừng cho cộng đồng thôn, bản quản lý, bảo vệ để hưởng dịch vụ môi trường rừng. Chúng tôi không có quyền gạch bỏ mà chỉ hướng dẫn cho người dân những diện tích rừng phải quản lý, bảo vệ”.

Được biết, cán bộ xã Ma Thì Hồ tham gia buổi giao đất, giao rừng trên thực địa năm 2013 gồm có 3 người, là: Dương Văn Trung, cán bộ địa chính xã; Lò Văn Nhượng, kiểm lâm địa bàn và Vàng A Na, cán bộ khuyến nông xã. Tuy nhiên đến nay, anh Nhượng đã chuyển địa bàn công tác; người tên Na đang trong thời gian thi hành án về tội buôn bán ma túy, chỉ còn anh Dương Văn Trung vẫn đang công tác tại xã Ma Thì Hồ. Trao đổi với chúng tôi, anh Trung khẳng định: “Tháng 4/2013, tôi cùng đơn vị tư vấn đi giao đất, giao rừng trên thực địa tại khu vực bản Huổi Y và nhóm 2 – bản Huổi Quang 2. Mới đầu, đơn vị tư vấn giao diện tích rừng phía dưới đường mòn cho cộng đồng bản Huổi Quang 1 quản lý, bảo vệ nhưng người dân bản này không đồng ý vì lý do diện tích này cách bản quá xa, không tiện trong việc bảo vệ. Sau đó, đơn vị tư vấn lại giao cho cộng đồng bản Huổi Y và nhóm 2 – bản Huổi Quang 2 cùng quản lý, bảo vệ. Nhưng người dân 2 bản này cho đây là diện tích nương cũ của họ nên cũng không nhận. Còn việc cán bộ tư vấn đồng ý cho người dân không phải bảo vệ, quản lý diện tích rừng dưới đường mòn thì tôi không biết vì lúc đó tôi đang ở... chỗ khác!”

Làm việc với một số cơ quan chức năng của huyện Mường Chà, chúng tôi hỏi về các văn bản, giấy tờ liên quan và tấm bản đồ tại buổi giao đất, giao rừng trên thực địa năm 2013, thì nhận được câu trả lời chung là... không còn! Trong khi bản đồ giao đất, giao rừng năm 2015 (bản chính thức) của xã Ma Thì Hồ được xây dựng dựa trên kết quả giao đất, giao rừng trên thực địa năm 2013. Điều này khiến người ngoài cuộc là tôi vô cùng khó hiểu. Lý giải điều này, ông Lò Văn Hịch, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Chà, cho biết: “Tấm bản đồ sử dụng trong buổi giao ngoài thực địa tại bản Huổi Y và nhóm 2 – bản Huổi Quang 2 vào năm 2013 là bản đồ địa hình chỉ dùng để bàn giao ngoài thực địa. Ông Hịch còn khẳng định đấy là bản nháp của đơn vị tư vấn nên không cần lưu. Bởi vì, sau khi đi giao thực địa, đơn vị tư vấn sẽ in ra một tấm bản đồ khác (bản nháp 2). Căn cứ bản nháp 2, chúng tôi tổ chức đi nghiệm thu và từ kết quả nghiệm thu sẽ bổ sung, chỉnh sửa để cho ra bản đồ giao đất, giao rừng chính thức, lấy chữ ký xác nhận của chủ rừng là trưởng bản và các bên liên quan”.

Từ những thông tin thu thập được và từ trả lời của ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Chà, chúng tôi dần hiểu ra căn cơ vì sao người dân các bản trên không thừa nhận lỗi phá rừng âu là có nguyên do của nó. Và phía cơ quan chuyên môn huyện Mường Chà liệu đã thực hiện tốt vai trò giám sát, kiểm tra trong quá trình giao đất, giao rừng hay chỉ “khoán trắng” cho đơn vị tư vấn? Để bây giờ, việc không rõ ràng, thống nhất giữa thực địa và bản đồ lại chăm chăm đổ vấy cho dân. Giải quyết rõ ràng, dứt điểm vụ việc này, thiết nghĩ hơn ai hết, cơ quan chuyên môn huyện Mường Chà cần xem lại trách nhiệm của những người đã tham gia giao đất, giao rừng, khi cần nên trưng tập lấy ý kiến 3 bên.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top