Tự phát trồng thanh long ruột đỏ: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

00:00 - Thứ Hai, 04/04/2016 Lượt xem: 3219 In bài viết
Thanh long là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Những năm gần đây, lượng thanh long, cả ruột trắng và ruột đỏ, được xuất khẩu ngày một tăng. Do giá thanh long ruột đỏ cao hơn nên nhiều hộ nông dân đã chặt bỏ các vườn thanh long ruột trắng để trồng loại ruột đỏ. Khảo sát mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, việc phát triển trồng thanh long ruột đỏ ồ ạt tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có định hướng thị trường.

Diện tích thanh long ruột đỏ tăng mạnh

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản xuất thanh long tập trung tại Bình Thuận, Tiền Giang và Long An với diện tích khoảng 30 nghìn héc ta, chiếm hơn 92% diện tích và khoảng 98% sản lượng thanh long cả nước, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung giá trị cao. Tại miền Bắc, hiện có 21 tỉnh, thành phố trồng loại cây này nhưng rải rác, nhỏ lẻ với tổng diện tích trên 1.000ha.

Phát triển trồng thanh long ruột đỏ ồ ạt được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam: Vài năm gần đây, tại "thủ phủ thanh long" Long An và Tiền Giang, nhiều nhà vườn đã chặt bỏ cây thanh long ruột trắng để trồng thanh long ruột đỏ. Nguyên nhân chính là do nông dân thấy cây thanh long ruột trắng trồng lâu năm, dễ nhiễm bệnh, năng suất thấp, trong khi giá thanh long ruột đỏ luôn cao hơn so với thanh long ruột trắng. Kiểm tra tình hình sản xuất thanh long tại một số địa phương cho thấy, có vườn thanh long ruột trắng diện tích trên 1ha đã gần 10 năm tuổi cũng bị chặt bỏ. Khi được Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT hỏi về việc phát triển thanh long ruột đỏ, ông Võ Văn Thông ở Ấp 5, xã Phướng Tân Hưng, huyện Châu Thành (Long An) đã thẳng thắn cho biết: Gia đình ông trồng khoảng 1ha thanh long ruột trắng gần 3 năm nay, giữa năm 2015 ông vẫn quyết định phá bỏ để trồng thanh long ruột đỏ vì chi phí sản xuất thấp và bán được giá cao hơn.

Tại diễn đàn bàn về định hướng phát triển cây thanh long mới đây do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, ông Võ Văn Vấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Long An) cũng cho biết: Gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ cây thanh long ruột trắng và chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ vì bán được giá cao. Do vậy, diện tích thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện đang tăng mạnh và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch. Theo ông Vấn, hiện toàn huyện có khoảng trên 6.400ha thanh long, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 3.300ha. Hầu hết thanh long của tỉnh đều chỉ xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, dù giá thanh long ruột trắng giảm nhưng người trồng thanh long vẫn có lãi. Việc phát triển tự phát thanh long ruột đỏ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên các tỉnh, thành phố cần có chiến lược và định hướng thị trường cho nông dân. Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam nhận định, tuy giá thanh long ruột đỏ tăng cao, nhưng các địa phương nên vận động nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi. "Thực tế thanh long ruột trắng vẫn đang cho thu nhập tốt, trong khi thị trường tiêu thụ thanh long ruột đỏ không có gì bảo đảm tính bền vững nên người dân cần phải cân nhắc kỹ…" - ông Hòa khuyến cáo.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng: Các địa phương cần rà soát quy hoạch trồng thanh long trên địa bàn, xác định cụ thể diện tích phân bổ đến xã, thị trấn; gắn sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tăng cường công tác quản lý chỉ đạo phát triển thanh long theo đúng quy hoạch, không phát triển tràn lan, theo phong trào… Đặc biệt, các địa phương, đơn vị phải áp dụng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại phù hợp, bảo đảm yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top