Người dân Noong U đồng thuận xây dựng nông thôn mới

00:00 - Thứ Hai, 18/04/2016 Lượt xem: 2371 In bài viết
ĐBP - Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cái tên Noong U – một xã vùng cao còn nhiều khó khăn đã được nhắc đến là một trong những xã đi đầu của huyện Điện Biên Đông. Đến Noong U, trên con đường chính vào trung tâm xã, chúng tôi có phần hồ nghi về sự “đi đầu” trong xây dựng NTM của xã bởi đường quá xấu, đầy rẫy những “ổ voi, ổ trâu”. Không biết yếu tố nào mà Noong U được ghi nhận?

Trả lời những thắc mắc của chúng tôi, ông Giàng Tráng Sự, Chủ tịch UBND xã Noong U cho biết: Thật ra, đến thời điểm này, xã mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí xây dựng NTM (một trong những xã đạt cao nhất huyện), đây là một kết quả chưa có gì đáng để tôn vinh hay biểu dương. Tuy nhiên, Chương trình xây dựng NTM là “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và người dân Noong U luôn sẵn sàng làm cùng Nhà nước, đây chính là “thành tích” lớn nhất của xã.

Người dân bản Tà Té, xã Noong U phơi, rê thóc ngay tại nương trước khi vận chuyển về nhà. Ảnh: Hà Linh

Một trong những minh chứng rõ nhất là thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo (theo phương pháp tiếp cận đa chiều) tại xã Noong U hiện nay lên tới gần 76% nhưng những năm qua, người dân Noong U luôn nhiệt tình ủng hộ nhân lực, vật lực củng cố cơ sở vật chất trường học. Giai đoạn 2010 – 2011, người dân góp công sức san ủi mặt bằng, góp vật liệu dựng 3 phòng học, 3 phòng công vụ cho giáo viên tại điểm trường Tà Té. Đầu năm 2012, để đáp ứng yêu cầu lên bán trú, người dân xã Noong U cùng các thầy, cô giáo tháo dỡ, vận chuyển các gian nhà gỗ từ trường cũ về địa điểm mới rộng rãi hơn; phụ huynh học sinh lại tiếp tục đóng góp vật liệu dựng thêm 4 gian nhà ăn cho khu nội trú của trường. Năm học 2013 – 2014, một lần nữa, được sự vận động của cấp ủy, chính quyền xã, người dân Noong U lại đóng góp gần 25m3 gỗ (trị giá gần 100 triệu đồng) cùng với cán bộ, giáo viên của trường dựng 8 gian nhà công vụ, mỗi gian rộng hơn 20m2, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt thường ngày cho cán bộ, giáo viên… Mới đây nhất, đầu năm học 2015 – 2016, người dân 2 bản Dư O A, B đã góp mỗi hộ 130.000 đồng; góp 455 công làm nhà lớp học 3 gian cho điểm Trường Tiểu học Dư O A, B; 265 công làm nhà lớp học 2 gian cho điểm Trường Mầm non Dư O A, B. Ngoài ra, trong quá trình mở rộng, kiên cố trường lớp học, đã có hàng trăm mét vuông đất ở, đất nương được nhân dân xã Noong U tình nguyện đóng góp mà không đòi hỏi bất cứ quyền lợi gì.

Không chỉ đồng thuận, chung tay trong kiên cố hóa trường lớp, năm 2015, được sự đầu tư từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, tuyến đường được coi là “huyết mạch” nối bản Na Sang (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên) - bản Tà Té (xã Noong U) dài gần 1,2km, trị giá 2,45 tỷ đồng đã được thi công. Ông Mùa Sáy Lầu, đại diện đơn vị thi công tuyến đường chia sẻ: Với kinh nghiệm trong quá trình thi công các công trình xây dựng cơ bản (đường, trường, trạm), mối lo lớn nhất của nhà thầu luôn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Mặt bằng “sạch” chậm bàn giao sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí dễ xảy ra “va chạm” giữa người dân với đơn vị thi công. Tuy nhiên, với công trình này tại xã Noong U, quá trình thực hiện diễn ra rất thuận lợi, người dân luôn ủng hộ nhiệt tình.”

Công trình đường giao thông Na Sang - Tà Té đã hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng chỉ sau 3 tháng thi công. Được biết, dù không có thống kê chính thức (vì người dân không yêu cầu đền bù) nhưng theo ước tính của chính quyền xã, đã có hàng nghìn mét vuông đất được người dân tình nguyện hiến để làm đường. Cũng bởi, người dân Noong U hiểu rằng: Có đường mới, rộng, đẹp sẽ giúp họ đi lại dễ dàng hơn; mua bán hàng hóa thuận tiện hơn, giúp họ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top