Sản xuất rau an toàn còn nhiều bất cập

00:00 - Thứ Sáu, 22/04/2016 Lượt xem: 3444 In bài viết
ĐBP - Từ năm 2012 đến nay, đã có nhiều dự án, mô hình thí điểm trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai tại huyện Điện Biên. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, hầu hết người dân đều quay trở về hình thức sản xuất cũ hoặc chỉ hoạt động ở mức cầm chừng.
Ông Nguyễn Hữu Tân, đội 8, xã Thanh Xương chăm sóc vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGap.

Năm 2012, các đội: 4, 5, 6, 7 (xã Pom Lót) được Sở Khoa học và Công nghệ chọn triển khai thí điểm Dự án “Xây dựng mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap” với tổng diện tích gần 6ha tại 2 bãi màu: Bãi Cầu và bãi Sậy. Sau khi được tập huấn về quy trình kỹ thuật trồng rau an toàn, 50 hộ dân, mỗi hộ đăng ký 1.000 – 1.500m2 đất để trồng thử nghiệm với nhiều loại rau như: Súp lơ, bắp cải, su hào, cà chua, đỗ leo... Tuy nhiên, chỉ sau 1 vụ rau thì gần như 100% hộ dân đều bỏ và quay về trồng rau theo hình thức cũ. Lý giải điều này, ông Bùi Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ Trồng rau an toàn xã Pom Lót (thời điểm năm 2012 – PV) cho biết: Trồng rau an toàn theo hướng VietGap đòi hỏi người dân phải chú trọng tính an toàn từ khâu làm đất, nguồn nước tưới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Quan trọng nhất là sử dụng phân hữu cơ hoai mục thay cho phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhưng đối với những loại rau như: Súp lơ, bắp cải cần nhiều chất dinh dưỡng và hay bị sâu bệnh phá hại mà lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo quy trình sản xuất rau an toàn VietGap không đủ đáp ứng nên cây rau còi cọc, chậm lớn. Đặc biệt là loại rau súp lơ hay bị nấm, nếu không được phun đủ lượng thuốc thì cây rau sẽ khô dần và hỏng. Vì thế, vụ thu hoạch đầu tiên năng suất rau giảm đáng kể, có hộ năng suất giảm một nửa so với hình thức sản xuất rau truyền thống. Hơn nữa, sản phẩm rau an toàn sau khi thu hoạch không có đầu ra. Nông dân thu hoạch rau bán cho các lái buôn hoặc bán ở các chợ với giá cũng chỉ bằng các loại rau khác, thậm chí còn khó bán hơn vì rau sản xuất theo hướng VietGap thường có hình thức không bắt mắt như các loại rau sản xuất theo hình thức truyền thống. Vì vậy, sau khi mô hình kết thúc, người dân chỉ duy trì được 1 năm rồi lại quay trở về hình thức sản xuất cũ.

Anh Phạm Văn Trường, đội 4, xã Pom Lót cho biết: Năm 2012, tôi đăng ký 1.500m2 đất bãi màu để tham gia mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai. Tôi nhận thấy, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap có ưu điểm là tốn ít chi phí nhưng cho năng suất kém, giá bán cũng không cao hơn so với rau được sản xuất truyền thống. Đơn cử như rau súp lơ, nếu sản xuất theo hình thức cũ cho năng suất 1 tấn/1.000m2 nhưng sản xuất theo hướng VietGap chỉ cho năng suất 6 – 7 tạ/1.000m2 trong khi giá bán buôn hay bán ở chợ 2 loại này là như nhau, không có sự phân biệt. Xét tổng thể, sản phẩm rau an toàn sản xuất theo hướng VietGap cho lợi nhuận ít hơn hẳn so với rau được sản xuất bằng phương pháp truyền thống.

Tình trạng này cũng xảy ra ở xã Noong Luống, năm 2012, toàn xã có 26 hộ dân tham gia dự án trồng rau theo hướng VietGap với gần 3ha. Hầu hết người dân tham gia mô hình đều nhận xét rằng: Trồng rau theo hướng VietGap giúp tiết kiệm chi phí, thu sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe người lao động, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Thế nhưng, sau khi dự án kết thúc, người dân lại trở về sản xuất truyền thống. Bởi lẽ, khi sản phẩm bán ra thị trường, rau trồng an toàn theo hướng VietGap so với rau trồng truyền thống đều như “cá mè một lứa”. Người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm rau sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap ở đội 8, xã Thanh Xương được triển khai cùng thời điểm với mô hình tại xã Pom Lót. Tuy không “biến hình” như ở xã Pom Lót nhưng mô hình này cũng chỉ duy trì hoạt động ở mức độ cầm chừng. Ông Nguyễn Hữu Tân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau, Củ, Quả an toàn Thanh Đông, xã Thanh Xương cho biết: “Khi Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình tại đội 8 và đội 10, có 24 hộ tham gia với tổng diện tích gần 20ha nhưng đến nay chỉ còn lại 9 hộ duy trì, diện tích vườn rau an toàn giảm còn 7ha. Khó khăn lớn nhất để phát triển rau an toàn theo hướng VietGap là khâu giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm rau an toàn chỉ người trồng rau ở đây biết với nhau, chưa có chứng nhận của các cơ quan chức năng nên khi ra thị trường, người tiêu dùng không thể nhận biết. Để duy trì và phát triển mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGap, năm 2015, 9 hộ trồng rau đã làm thủ tục thành lập HTX Rau, Củ, Quả an toàn Thanh Đông. Thời gian tới, HTX dự kiến sẽ mở ki ốt giới thiệu, tư vấn về sản phẩm rau an toàn đến người tiêu dùng. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi mong các cơ quan chức năng tư vấn, chứng nhận để hỗ trợ vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top