Huổi Xưa vơi dần khó khăn

00:00 - Thứ Sáu, 22/04/2016 Lượt xem: 3117 In bài viết
ĐBP - Từ trung tâm xã Na Sang nhìn về phía bản Huổi Xưa nằm cheo leo trên đỉnh núi trước mặt, nhưng để đến với nơi là diệu vợi một cung đường thật đúng như trong tưởng tượng, đường vào Huổi Xưa khá dốc và khó đi. Thấy chúng tôi lưỡng lự, anh Vàng A Pó, Chủ tịch UBND xã Na Sang nói: Con đường này đã được mở rộng và nâng cấp nên dễ đi hơn rất nhiều so với trước. Bây giờ ô tô, xe máy có thể đến tận bản chứ không như trước, muốn lên đây phải đi bộ men theo con đường mòn lởm chởm đất đá dài tới 7km, mất cả mấy tiếng đồng hồ…

Huổi Xưa là một trong những bản khó khăn nhất của huyện Mường Chà. Con đường dẫn vào bản dốc lên rồi lại xuống, đường ngoằn trái rồi quặt phải tưởng như không có điểm dừng, khó đi vô cùng... Thế nhưng, sau 1 tiếng hành trình, chúng tôi cũng đã tới được Huổi Xưa. Quả thật, đời sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông – lâm nghiệp.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của người dân bản Huổi Xưa đã bớt khó khăn hơn.

Đón chúng tôi với tất cả sự mến khách vốn có, vị trưởng bản tên Và Chống Vừ, sinh năm 1986 cho biết: “Cả bản có 52 hộ dân, nhưng 90% hộ nghèo. Cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào việc canh tác lúa, ngô, sắn... năng suất thấp, sản lượng bấp bênh. Mặc dù bà con rất chăm chỉ làm ăn nhưng nhiều gia đình ở đây vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt. Chuyện học hành của con cái cũng phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ cuối năm 2014, điện mới về đến bản, nhưng hiện vẫn còn nhiều hộ chưa có điện vì không đủ khả năng mắc nối”.

Ghé thăm nhà anh Giàng A Công, một gia đình có 3 con nhỏ. Theo lời kể của anh Công thì nhờ làm được nhiều rẫy nên các con anh không phải chịu cảnh thiếu cơm như nhiều hộ khác trong bản. Nhìn vào góc bếp, tôi thấy có đến hai nồi cơm trắng để dưới nền đất nhưng lại không có thức ăn. Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh Công giải thích: “Hai vợ chồng mình đi nương có khi đến 2, 3 ngày mới về, phải nấu nhiều cơm để sẵn đó, khi nào con đói thì tự xúc ăn. Ở đây nhà nào chả thế”. Có lẽ không cần phải đến tận từng nhà để tìm hiểu cuộc sống, mà qua câu chuyện cùng anh Công cũng đôi ba phần hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây. 52 nóc nhà thì hầu hết là mái gianh. Chỉ duy nhất có điểm Trường tiểu học Huổi Xưa (Trường Tiểu học số 2 Na Sang) được lợp bằng prôximăng, nhưng nhiều chỗ đã cong vênh, chỉ trực rơi xuống bất cứ lúc nào.

Từ năm 2008, Huổi Xưa đã được “liệt” vào danh sách 252 bản đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh để đầu tư phát triển KT - XH. Thế nhưng, hiện tại thì đã khác. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, những năm gần đây cuộc sống của người dân Huổi Xưa đỡ vất vả hơn. Anh Và Chống Vừ khẳng định: Huổi Xưa giờ đây đã đổi thay rất nhiều. Và điều quan trọng nhất là đổi thay trong nhận thức, suy nghĩ và cách làm của bà con. Bằng đôi tay cần cù “khai sơn phá thạch”, chứ không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa. Người dân Huổi Xưa giờ chỉ tin vào ý chí nghị lực của mình, tin vào Đảng như con đường mới kia…”. Được biết, năm 2014, đường vào bản Huổi Xưa được nâng cấp, sửa chữa, nên việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn. Từ ngày con đường được mở rộng, đời sống của hơn 50 hộ dân đã cải thiện rất nhiều, khi các sản phẩm nông sản làm ra như ngô, chè, mía… vận chuyển ra chợ bán dễ dàng hơn. Ông Giàng Sáy Câu, người có uy tín ở bản Huổi Xưa chia sẻ: Đường được mở rộng nên ngô, lúa làm ra hay chăn nuôi được con lợn, con gà… đã có người vào tận nhà hỏi mua, ông vui lắm. Có tiền, bà con lại ra chợ mua gạo, mua thức ăn nên không nhà nào phải ăn mèn mén nữa. Cũng từ ngày có con đường, việc đi lại, học tập của trẻ nhỏ thuận lợi hơn. Hầu hết các em nhỏ trong bản khi học hết tiểu học đều ra trung tâm xã để học tiếp lên THCS.

Tư duy về sản xuất, sinh hoạt của người dân nơi đây cũng đã có những chuyển biến. Nay bà con đã đưa các giống ngô lai vào trồng thay thế cho giống cây trồng cũ năng suất thấp. Năm 2008, năng suất ngô chỉ đạt khoảng 25 - 30tạ/ha, thì nay đã tăng lên khoảng 40tạ/ha. Để phá thế độc canh cây ngô, bà con đã bỏ công bỏ sức để khai hoang, cải tạo đất trồng lúa nước, đưa ruộng một vụ thành hai vụ. Và điển hình là ông Vừ Khai Phá - người đầu tiên trong bản cải tạo thành công ruộng một vụ thành hai vụ. Ông Vừ Khai Phá nói như khoe: “Không có gì là không thể làm được khi mình có lòng quyết tâm, khó thì làm dần, ông trời không phụ công sức con người”. Từ đó, các hộ trong bản đua nhau làm mương dẫn nước vào ruộng.

Chia tay Huổi Xưa, chúng tôi lên xe về thành phố khi tiếng sấm báo hiệu cơn mưa đầu mùa sắp đổ. Chiếc xe máy WaveS dò dẫm trên con đường ngoằn ngoèo theo sườn núi trong tiếng trống ngực đập thình thịch... rồi nín thở khi xe trôi từ từ xuống dốc qua các khúc cua tay áo. Huổi Xưa dần khuất sau sườn núi và tôi nhớ về những ánh mắt trong veo của các em nhỏ, những ánh mắt hạnh phúc thấp thoáng trên núi cao vời vợi.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top