Xuất khẩu lao động:

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

00:00 - Thứ Sáu, 22/04/2016 Lượt xem: 2622 In bài viết
ĐBP - Thực hiện công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh, trong 3 năm (từ 2013 – 2015), Sở Lao động–TB&XH đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu giải quyết việc làm, XKLĐ cho các huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2015, đơn vị đã tổ chức Ngày hội Việc làm tỉnh lần thứ I, với 22 đơn vị, doanh nghiệp tham gia mở gian hàng việc làm. Trong đó, 10 gian hàng tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đi XKLĐ. Qua ngày hội đã thu hút trên 1.000 học sinh, sinh viên, người lao động, đặc biệt là người lao động (LĐ) ở huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Trong đó, 947 người LĐ được tư vấn, giới thiệu việc làm và có 191 LĐ làm hồ sơ tuyển dụng. Để công tác XKLĐ tại tuyến huyện đạt hiệu quả cao hơn, tại 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ tuyên truyền, tuyển chọn lao động. Có huyện còn mở rộng mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền XKLĐ xuống tuyến xã. Bên cạnh đó, Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cũng thành lập văn phòng đại diện ở các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người LĐ tìm hiểu thông tin thị trường, được tư vấn và đăng ký tham gia chương trình... Tùy từng vị trí công việc, người XKLĐ tại Malaysia có thu nhập bình quân khoảng 6,5 - 7,5 triệu đồng/tháng, tại Ả rập xê út khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng, tại Lào khoảng 4 - 6 triệu/tháng. Trong khi đó lao động tu nghiệp sinh tại Nhật Bản có thu nhập trung bình từ 22 – 27 triệu đồng/tháng; còn tại Hàn Quốc khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng.

Dù thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như vậy nhưng công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn đạt kết quả chưa cao. Kể cả các chương trình, dự án về XKLĐ cũng không đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử, Dự án Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2012 – 2015. Sau thời gian triển khai dự án vẫn không có doanh nghiệp nào tham gia. Ngay cả 5 huyện, thị xã, thành phố được phân bổ kinh phí cũng không có lao động đăng ký tham gia xuất khẩu. Vì vậy mà kinh phí cấp cho dự án từ năm 2013 – 2014 phải trả lại vào ngân sách Nhà nước.

Theo lý giải của bà Trần Thị Duyên, Phó Trưởng phòng Việc làm, ATLĐ (Sở Lao động–TB&XH) thì nguyên do không thực hiện được dự án là, theo quy định các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải chi trước toàn bộ chi phí tư vấn đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng, thủ tục… cho đến khi LĐ đi xuất cảnh. Và nếu chỉ có dưới 70% học viên sau khi tốt nghiệp được đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp sẽ chỉ được thanh toán học phí theo số lao động thực tế được xuất cảnh. Như vậy, từ khi doanh nghiệp bỏ trước kinh phí để đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đến khi lao động xuất cảnh phải mất khoảng thời gian dài mới được thanh toán chi phí và cũng không được thanh toán hoàn toàn 100% chi phí ban đầu nếu số lượng lao động xuất cảnh không đảm bảo  quy định. Khi XKLĐ, người LĐ đều được các công ty tuyển dụng cam kết đảm bảo quyền lợi theo hợp đồng, được đóng các khoản bảo hiểm xã hội, thân thể, mọi rủi ro từ phía người lao động hoặc xí nghiệp cũng được giải quyết. Ngược lại người LĐ phải chấp hành nghiêm túc luật pháp nước sở tại, quy định của chủ sử dụng LĐ, thời gian làm việc. Tuy nhiên thực tế số LĐ xuất khẩu vẫn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Thống kê của Sở Lao động–TB&XH, từ năm 2013 – 2015, chỉ tiêu tuyển chọn LĐ và số lượng doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước giới thiệu để tuyển chọn LĐ trên địa bàn tỉnh rất ít. Trong 3 năm toàn tỉnh có 155 người XKLĐ; trong đó sang thị trường Lào 35 LĐ, Hàn Quốc 39 LĐ, Ả rập xê út 13 LĐ, Malaysia 51 LĐ, Nhật Bản 5 LĐ, Đài Loan 5… Theo đánh giá của ngành chức năng một phần là do chất lượng lao động còn thấp, phần lớn người lao động trong độ tuổi mới học hết tiểu học và THCS, nhất là tại các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa nên khả năng tiếp thu còn hạn chế. Tỷ lệ LĐ không đạt vì lý do sức khỏe khá cao. Ngoài ra, do một bộ phận người LĐ khi tham gia XKLĐ ý thức kỷ luật chưa nghiêm, vi phạm quy định của chủ sử dụng, không ít LĐ sau khi được học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức lại không xuất cảnh. Đặc biệt, LĐ Điện Biên còn mang nặng tâm lý ngại sống xa gia đình… Chính vì đó dẫn đến tỷ lệ LĐ về nước trước thời hạn chiếm 31% tổng số LĐ xuất cảnh. Còn tình trạng LĐ ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng, như tại thị trường Hàn Quốc. Để giải quyết vấn đề này, Sở Lao động–TB&XH đã chỉ đạo niêm yết công khai danh sách những LĐ cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa. Tuy nhiên, đến hết năm 2015, vẫn còn 41 lao động đã hết hợp đồng vẫn ở lại nước sở tại cư trú bất hợp pháp.

Để thực hiện mục tiêu XKLĐ 100 người trong năm 2016, ngoài vấn đề kết nối thông tin, liên kết với các đơn vị tuyển dụng LĐ xuất khẩu có uy tín xuống các địa phương để tư vấn, tuyển dụng LĐ, đồng thời tổ chức gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa người đã XKLĐ trở về với người có nhu cầu đi XKLĐ. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho bản thân người LĐ.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top