Chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách hợp lòng dân

00:00 - Thứ Hai, 25/04/2016 Lượt xem: 2437 In bài viết
ĐBP - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: người dân gắn bó với rừng hơn, giảm số vụ cháy rừng, phá rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn nước và nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.

Bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Tỉnh ta có trên 776.745ha đất lâm nghiệp. Trong đó, đất rừng phòng hộ 119.229ha; rừng đặc dụng 369.742ha; rừng sản xuất 287.774ha. Rừng trên địa bàn tỉnh ta có vai trò rất quan trọng, không chỉ phòng hộ, đảm bảo môi trường sinh thái mà còn chống bồi lắng lòng hồ, cung cấp nước tưới cho công trình thủy điện và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân bản Thín A.

Trước đây, công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn, người dân quan niệm rừng là của Nhà nước nên trông chờ, ỷ lại và phó mặc cho lực lượng chức năng, nhất là kiểm lâm. Song, từ năm 2013, chính sách chi trả DVMTR được triển khai, rừng giao đến từng hộ dân, cộng đồng thôn, bản và người dân được hưởng lợi từ rừng nên gắn bó với rừng hơn, tự giác, trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng. Các cộng đồng thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ rừng; quỹ bảo vệ rừng thôn, bản; thành lập tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng. Bên cạnh đó, công tác tái sinh rừng, trồng rừng cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhờ đó, không những bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có mà nhiều thôn, bản còn tái sinh rừng từ các diện tích nương bạc màu, kém hiệu quả; tự nguyện đăng ký cây giống để trồng cây phân tán, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần nâng cao độ che phủ rừng và để hưởng lợi từ rừng nhiều hơn.

Đến nay, tổng số chủ rừng tham gia nhận, giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng toàn tỉnh là 1.132 chủ rừng, với diện tích 215.748ha rừng. Trong đó, 2 chủ rừng là tổ chức; 655 chủ rừng là cộng đồng thôn, bản; 475 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình. Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiến hành chi trả tiền DVMTR đến các chủ rừng đúng thời gian, đơn giá, góp phần tăng thu nhập cho người dân bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/hộ/năm.

Tuần Giáo là một trong những huyện làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, huyện đã giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ trên 26.046/36.691ha rừng cho 232 chủ rừng (trong đó, 93 chủ rừng là cộng đồng và 193 chủ rừng là hộ gia đình). Các chủ rừng trên địa bàn huyện đã tích cực trồng rừng, tái sinh rừng để được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả DVMTR. Từ năm 2013 đến nay, huyện Tuần Giáo đã trồng 3.353.330 cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên 32%. Ông Trần Xuân Ban, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ che phủ rừng tăng, số vụ vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm đáng kể. Nhờ chính sách này, rừng được bảo vệ an toàn, người dân có ý thức cao trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện nay, nhiều diện tích nương bạc màu của người dân đã được trồng, tái sinh thành rừng xanh tốt.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top