Hiệu quả mô hình nuôi bò luân chuyển ở Mường Ảng

00:00 - Thứ Tư, 27/04/2016 Lượt xem: 3742 In bài viết
ĐBP - Năm 2014, từ nguồn vốn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Singapore, nguồn vốn Nghị quyết 30a/CP và sự đóng góp thiện nguyện của một số cá nhân, tổng số tiền 2 tỷ đồng đã được huyện Mường Ảng mua 145 con bò sinh sản cho 145 hộ nghèo của 2 xã: Ẳng Cang và Ẳng Nưa. Với hình thức nuôi luân chuyển, sau 2 năm số bò ấy đã phát triển lên 164 con.
Chị Lò Thị Toàn, bản Mới chăm sóc bò.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lò Thị Toàn, bản Mới, xã Ẳng Nưa vào buổi chiều muộn, gia súc đã về chuồng sau một ngày được chăn dắt. Chỉ vào bò mẹ và 1 bê con gần 1 tuổi bụng căng tròn với bộ lông bóng mượt, chị Toàn cho biết: Thấy bê con lớn từng ngày, tôi vui lắm nhưng vẫn xen lẫn một chút buồn, bởi chỉ 1 thời gian ngắn nữa là phải luân chuyển con bê này cho gia đình khác. Vẫn biết bò mẹ sinh tiếp lứa thứ 2 thì sẽ là tài sản của gia đình mình nhưng vì chăm sóc con vật lâu ngày nên không muốn rời xa.

Hộ ông Lường Văn Thành, ở bản Na Hán đã nuôi bò được 2 năm và sinh sản được 2 lứa. Ông Thành phấn khởi kể: Gia đình tôi may mắn được nhận bò mẹ đang mang thai, nên hiện nay, cả bò mẹ và bê con đã là tài sản của gia đình. Khi gia đình có trong danh sách những hộ được nhận bò nuôi đợt đầu, tôi đã tận dụng một số loại gỗ dựng khung chuồng, lợp mái prô xi măng chắc chắn. Đợt rét đậm hồi đầu năm, tôi dùng bạt che kín xung quanh chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho bê con, bò mẹ. Khi lên nương trồng cấy, tôi tranh thủ dắt theo bò để vừa làm việc, vừa có thời gian chăn dắt; chứ không thả rông lên rừng.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, Hội Chữ thập đỏ huyện Mường Ảng cho biết: Khi tiếp nhận tài trợ để làm điểm mô hình nuôi bò luân chuyển, chúng tôi đã rất trăn trở, bởi người dân chưa có ý thức trong chăn nuôi gia súc, vẫn còn tình trạng thả rông trên rừng, nên khó kiểm soát dịch bệnh. Rồi việc nuôi nhốt dưới gầm sàn nhà ở gây mất vệ sinh. Do đó, để mô hình thực sự đem lại hiệu quả, UBND huyện đã thành lập Ban Quản lý dự án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, các thành viên gồm các ngành: nông nghiệp, thú y, lao động - thương binh và xã hội. 2 xã được thụ hưởng dự án cũng thành lập ra 2 ban quản lý dự án cấp xã, để thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi. Ban Quản lý dự án đã lựa chọn kỹ từ khâu mua giống: Con giống phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương; con giống phải được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, khỏe mạnh, đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, trọng lượng. Mỗi hộ được lựa chọn nuôi bò phải có ít nhất 1 lao động đảm bảo việc chăn thả, chăm sóc cho gia súc. Với hình thức nuôi luân chuyển, khi bò mẹ sinh bê con, hộ nuôi bò mẹ phải chăm sóc bê con từ 6 tháng đến 1 năm rồi luân chuyển con bê cho hộ khác nuôi; từ lứa bê thứ 2 trở đi, hộ được giao bò sẽ được giữ lại bê và bò mẹ.

Trong quá trình triển khai, ban quản lý dự án cấp xã thường xuyên kiểm tra định kỳ 1 tháng/lần. Khi gia súc ốm, mất phải báo ngay cho chính quyền xã. Các hộ chăn nuôi phải cam kết làm chuồng trại, chăn thả đảm bảo quy định, để tránh gia súc phá hoại hoa màu của nhân dân. Có thể nói, qua 2 năm triển khai dự án, thành công bước đầu là các hộ tham gia mô hình đã nâng cao ý thức chăn nuôi, như: Thực hiện làm chuồng trại chắc chắn, biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, trồng thêm cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc... Bên cạnh đó, mô hình còn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chuyên môn huyện và chính quyền cơ sở trong hỗ trợ người dân sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top