Cảm nhận Mường Phăng

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 3238 In bài viết
ĐBP - Xã Mường Phăng, huyện Điện Biên -  địa danh gắn liền với tên tuổi Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch, cũng tại đây, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết sách, chiến lược tài tình làm lên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu. Khi đất nước trên đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa, người dân Mường Phăng lại xung phong trên trận tuyến mới, khởi động “con tàu Mường Phăng rời xa bến đói nghèo”.

Người dân xã Mường Phăng bán các sản phẩm truyền thống cho khách tham quan tại Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đến thăm Mường Phăng những ngày cuối tháng 4 lịch sử, cảm nhận của chúng tôi về một Mường Phăng đang thay da đổi thịt. Đời sống của đồng bào Thái, Mông nơi đây đang từng bước đổi thay, những bữa ăn với cơm trắng, cá tôm như đã toát lên một cuộc sống no ấm của bà con. Cuộc sống hôm nay là vậy, nhưng ít ai biết rằng chỉ cách đây ít năm, hơn 1.000 hộ dân sinh sống tại 26 bản khó khăn, thiếu thốn rất nhiều, vẫn còn cơm độn ngô, sắn; đói giáp hạt vẫn hiển hiện trong từng gia đình. Những năm 2010 tỷ lệ đói nghèo của xã Mường Phăng còn chiếm trên 50%. Làm thế nào để đưa đời sống nhân dân thoát khỏi đói nghèo luôn là vấn đề trăn trở và được bàn nhiều nhất trong các cuộc họp của lãnh đạo xã. Bắt đầu cuộc “cách mạng” xóa đói giảm nghèo, lãnh đạo xã Mường Phăng xác định phải làm từ ngay gia đình của cán bộ, đảng viên xã trước, có như vậy mới làm gương cho quần chúng nhân dân học tập noi theo. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp nhiều khó khăn, ruộng, nương vẫn vậy nhưng làm sao để tăng năng suất cây trồng lại là vấn đề? Trước tiên là thay đổi nhận thức ngay trong đội ngũ lãnh đạo xã. Từ chỗ đi làm muộn, về sớm, không gần dân, không sát cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con thì nay những người đầu tầu đã thay đổi giành nhiều thời gian xuống cơ sở, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế.

“Phải thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong phát triển nông nghiệp, không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước hay phụ thuộc vào thiên nhiên. Chúng tôi vận động bà con vay vốn mua giống mới, phân bón để đầu tư cho ruộng. Cũng diện tích ruộng như vậy nhưng năng suất lúa tăng lên qua các vụ. Để ruộng đồng thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, lãnh đạo xã trực tiếp ra đồng kiểm tra, hướng dẫn bà con sản xuất; vào thời điểm gieo cấy, chúng tôi luân phiên nhau xuống các bản chỉ đạo bà con sản xuất” - ông Lò Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết.

Việc làm đầu tiên của lãnh đạo xã là thực hiện các mô hình gieo cấy những giống lúa, cây mới rồi mời bà con đến tham quan học hỏi để nhân rộng ra các bản. Từ đó, bà con đã nắm bắt được quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo cấy những giống mới. Nhưng cái khó của bà con là vốn đầu tư sản xuất, làm sao giúp người dân có vốn lại là vấn đề. Lãnh đạo xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện vay vốn, giúp bà con có vốn để sản xuất.

Trước đây, hơn 300ha ruộng của xã chỉ cấy lúa, trong đó gần một nửa chỉ trồng được một vụ do thiếu nước sản xuất. Năm 2004, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi lên thăm lại chiến trường xưa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất buồn vì đời sống nhân dân các dân tộc nơi đây còn nhiều khó khăn. Tri ân với đất và người từng nuôi giấu, chở che cho bộ đội những ngày kháng chiến, năm 2008, đích thân Đại tướng đã gửi thư đề nghị Bộ Chính trị và Chính phủ đầu tư xây dựng Công trình thủy lợi Loọng Luông 1, để giúp bà con vùng căn cứ kháng chiến cũ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hồ thủy lợi Loọng Luông 1 với tổng mức đầu tư trên 82 tỉ đồng, sau 2 năm khởi công xây dựng, đến tháng 5/2013 đã hoàn thành. Hồ có dung tích 1,2 triệu m3 cấp nước tưới ổn định cho 150ha đất trồng lúa của bà con nhân dân các dân tộc Mông, Thái thuộc 6 bản trên địa bàn: Loọng Luông, Loọng Nghịu, Cang, Loọng Háng, Yên, Co Mặn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Công trình hồ Loọng Luông đi vào hoạt động như tiếp thêm sức mạnh cho bà con trong xã xóa đói giảm nghèo. Nhận thấy tài nguyên đất vẫn còn bỏ phí, lãnh đạo xã hướng dẫn, vận động người dân trồng thêm vụ 3 với các loại cây rau màu tăng thêm thu nhập. Từ chỗ năm 2012 cả xã có hơn 70ha ruộng được bà con gieo cấy, thâm canh vụ 3 thì đến nay gần như 100% diện tích ruộng đã được người dân trồng các loại cây màu xen canh với 2 vụ lúa.

Phát triển chăn nuôi đàn gia súc và trồng rau xanh cũng là hướng đi mới được xã chỉ đạo bà con thực hiện. Hơn 39ha rau màu các loại của bà con đã cung cấp một lượng rau xanh lớn cho huyện. Theo ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện nay xã đã chỉ đạo bà con phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Các hộ dân đầu tư chuồng trại kiên cố, con giống mới cho năng suất cao, nguồn thức ăn để phát triển chăn nuôi. Hiện nay trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại vừa và nhỏ thực sự đem lai hiệu quả kinh tế cao.

Đi qua các cánh đồng lúa xanh tốt vừa được tưới bởi những trận mưa đầu mùa, ở đâu chúng tôi cũng thấy không khí lao động khẩn trương của bà con. Nói vui như ông Chủ tịch UBND xã Mường Phăng thì vào thời điểm này, ban ngày đến gặp người lớn ở nhà rất khó vì họ ra đồng làm hết, chỉ có người già ở nhà. Bây giờ họ quý đồng ruộng như “vàng” vì chính những thửa ruộng từ đời ông cha để lại đã đem đến cho họ cơm no, áo ấm. Cây lúa như trả công người chăm sóc, mùa vàng nối tiếp, năng suất lúa vụ chiêm xuân đã đạt 65 tạ/ha, năng suất vụ mùa đạt 40 tạ/ha. Cùng với phát triển nông nghiệp, chăn nuôi thì khoanh nuôi bảo vệ rừng cũng được người dân Mường Phăng quan tâm. Theo anh Nông Xuân Vĩnh, cán bộ kiểm lâm huyện cắm địa bàn thì ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Những cánh rừng được người dân bảo vệ qua nhiều năm đã xanh tốt trở lại, không còn cảnh đốt nương, phá rừng như trước nữa.

Cùng với đó thì các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Thái, Mông, các bài thuốc dân gian được người dân sản xuất, chế biến để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch; những chiếc khăn piêu, trang phục dân tộc được thôn nữ dân tộc thêu tỉ mỉ, khéo léo làm mê hoặc khách tham quan, giúp bà con thêm thu nhập những lúc nông nhàn.

Những thay đổi của Mường Phăng hôm nay có thể cảm nhận qua từng ngày khi người dân biết phát huy thế mạnh địa phương để vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Vinh Duy
Bình luận
Back To Top