Thực hiện giảm nghèo nhanh, bền vững ở Mường Nhé

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 2673 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Chương trình Giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020, huyện Mường Nhé được hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, đã có 45 chương trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn với mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững với tổng kinh phí 1.624 tỷ đồng.

Người Hà Nhì bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn đã biết làm vườn trồng rau, chủ động thực phẩm tại chỗ.

Giai đoạn 2011 – 2015, nhờ các nguồn lực đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng đã đáp ứng kịp thời về cơ sở vật chất, nhu cầu đời sống người dân, tạo sự thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, 8/11 xã có đường đến trung tâm đi được cả trong mùa mưa; 10/11 xã có điện lưới quốc gia, với 49,3% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục đúng độ tuổi mức độ I, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; có 2.074 hộ nghèo được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo với tổng dư nợ 62,6 tỷ đồng. Mường Nhé có 118.602 học sinh thuộc hộ nghèo được hỗ trợ về giáo dục với tổng số tiền 97,09 tỷ đồng; 29.067 hộ được hỗ trợ tiền điện; 2.200 lao động được hỗ trợ học nghề chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, thương mại, dịch vụ; 1.566 hộ được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền 30,567 tỷ đồng; 167.820 người là người nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 97 tỷ đồng… Ngoài ra, người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn còn được tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, hưởng chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn, huyện được Trung ương hỗ trợ 278,283 tỷ đồng; sự hỗ trợ của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước 61,742 tỷ đồng. Kinh phí trên được sử dụng hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm; chính sách giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, trong 7 năm, huyện đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao cho 16.252 hộ với tổng kinh phí 31,324 tỷ đồng; hỗ trợ giống cây trồng rừng sản xuất cho 229 hộ với kinh phí 1,715 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho hộ nghèo chăm sóc bảo vệ rừng; hỗ trợ khai hoang với tổng diện tích 457ha cho 1.293 hộ với số tiền 5,258 tỷ đồng. Cũng từ nguồn vốn Nghị quyết 30a được phân bổ, huyện đã đầu tư 21 công trình gồm: Đường giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, trường học với tổng số tiền 197,415 tỷ đồng.

Cùng với sự đầu tư hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mường Nhé đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền vận động người dân phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi gia đình, mỗi địa phương phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, theo nhu cầu của thị trường; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập, chủ động phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo. Người dân bản Mường Nhé đã tận dụng nguồn nước các khe núi cải tạo làm ao nuôi cá, cải tạo đất dốc thành ruộng bậc thang gieo cấy lúa ruộng. Đưa nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào trồng đại trà. Nhờ đó, hàng chục hộ trong bản có thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng/năm/hộ. Người dân bản Tả Ko Khừ, A Pa Chải, xã Sín Thầu đã biết làm chuồng cho trâu, bò, tiêm phòng dịch, chăn nuôi bán chăn thả, nhờ đó đàn gia súc phát triển bền vững. Nhiều hộ có đàn gia súc trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ ở các xã: Mường Toong, Mường Nhé, Leng Su Sìn, Nậm Kè đã mạnh dạn đưa các loại cây ăn quả (cam, chuối, xoài) vào trồng thay thế các loại cây truyền thống của địa phương nhưng kém hiệu quả. Ông Lỳ Phì Cà, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, cho biết: 5 năm qua, với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, hàng chục công trình hạ tầng cơ sở đã được xây dựng. Bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn vùng cao biên giới, đời sống vật chất tinh thần người dân thay đổi rất nhiều. Hàng hóa được lưu thông, đi lại thuận tiện, nhận thức, hiểu biết của người dân nâng cao qua các phương tiện thông tin đại chúng như: ti vi, đài phát thanh,  trao đổi thông tin qua điện thoại.

Trong 5 năm qua, huyện Mường Nhé đạt nhiều chỉ tiêu giảm nghèo nhanh bền vững, từ 77,87% (năm 2011) xuống còn 45,5% (năm 2015). Kết cấu hạ tầng kinh tế không ngừng được đầu tư phát triển. Thu nhập đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Nhận thức hiểu biết xã hội, kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật đã từng bước đến với các gia đình ở cộng đồng dân cư. Đồng bào đã định cư, thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa. Chương trình Giảm nghèo nhanh, bền vững đang mang lại những hiệu quả tích cực trên vùng đất biên cương.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top