Tung hoành phân bón giả

“Nhởn nhơ” vì phạt nhẹ

00:00 - Thứ Ba, 10/05/2016 Lượt xem: 2337 In bài viết
Tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả luôn là nỗi lo thường trực của nông dân trong nhiều năm qua. Theo ước tính của Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm gây thiệt hại cho nền nông nghiệp khoảng hai tỷ USD và còn kéo theo hàng loạt hệ lụy khác cho người sản xuất, môi trường. Việc ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi kinh doanh bất hợp pháp này đang thật sự là thách thức lớn đối với các ngành chức năng.

Thật, giả lẫn lộn

Từ trước đến nay, đã không ít lần nông dân trồng rau ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai) phải gánh chịu hậu quả của phân bón giả, kém chất lượng. Bởi khi sử dụng phân giả, kém chất lượng, phần lớn các vườn rau đều bị cháy khô. Đây đang là nỗi ám ảnh không chỉ của riêng vùng trồng rau lớn này.

Nông dân vùng trồng rau ở phường Tân Phong, TP Biên Hòa (Đồng Nai) luôn lo lắng trước nạn phân bón giả tràn lan.

Ông Vũ Văn Minh, Tổ trưởng tổ 41, khu phố 8, phường Tân Phong, TP Biên Hòa cho biết: “Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giờ tràn lan chúng tôi không thể kiểm soát được, không thể biết đâu là thật đâu là giả. Nếu sử dụng phân bón giả, rau chỉ có xuống cấp thôi, xấu đi và chết”.

Việc nông dân gần như “tù mù” thông tin về chất lượng phân bón là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến. Với “công nghệ” làm giả tinh vi, nhìn bao bì bên ngoài không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Theo kinh nghiệm của bà Phạm Thị Huệ cũng như nhiều hộ nông dân khác ở khu phố 8, phường Tân Phong, TP Biên Hòa: “Phải mua đại lý quen mới có thể không bị pha trộn phân giả vào”.

Trong những năm gần đây, các lực lượng chức năng ở tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang nhiều vụ sản xuất phân bón giả. Điển hình nhất là việc mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), lực lượng quản lý thị trường Đồng Nai tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất phân bón tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Tại đây, các lực lượng chức năng phát hiện các công nhân đang thực hiện đóng gói hàng loạt các loại phân bón giả các nhãn hiệu những hãng phân bón lớn như: Kali Nitrate; Sun phát đồng... Đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở này đang dự trữ khoảng 200 tấn nguyên liệu dùng để trộn làm phân bón giả, nhiều loại phẩm mầu, hóa chất có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.

Sớm đưa ra giải pháp

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng đáng báo động này, xuất phát từ việc lợi nhuận sản xuất phân bón giả rất cao, nhưng khi bị phát hiện hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt còn thấp, không đủ sức răn đe. Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết: “Trong quá trình quản lý phân bón giả trong những năm qua, chúng tôi thấy rằng, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe. Mức phạt từ vài triệu đến 100 triệu đồng đối với những lô hàng từ 100 tấn đến 1.000 tấn thì đây là mức phạt thấp. Thời gian chúng ta lấy mẫu, phân tích mẫu đưa vào khung hình phạt nào đó mất thời gian khoảng một tháng, có khi lấy mẫu đến hai lần mới có kết quả chính xác được. Trong thời gian này, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phân bón giả sẽ kịp tiêu thụ hết”.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai, qua kiểm tra, lấy 51 mẫu các loại phân bón tại các cơ sở sản xuất trong thời gian gần đây, có hai mẫu phân bón giả, sáu mẫu phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép so với mức quy định. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính chỉ được hơn 22 triệu đồng. Những vụ vi phạm này chưa phản ánh hết thực trạng phân bón giả, kém chất lượng hiện nay, bởi với hàng nghìn sản phẩm phân bón các loại có trong danh mục lưu hành trên thị trường, việc kiểm soát của các ngành chức năng xem như chỉ là “muối bỏ bể”.

Nhiều ý kiến cho rằng, những giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát phân bón giả, phân bón kém chất lượng hiện nay chỉ mới xử lý được phần ngọn, còn biện pháp nào để khắc phục triệt để dường như vẫn còn để ngỏ.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top