Phát triển ruộng nước ở ngã ba biên giới

Để không còn là “mô hình”

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 3079 In bài viết
ĐBP - Đối với địa bàn vùng cao, biên giới, việc xây dựng thủy lợi, phát triển lúa nước 2 vụ luôn là mục tiêu quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tại các xã Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé), trồng lúa nước vẫn chưa thoát ra khỏi cái danh “mô hình” bởi nhiều nguyên nhân.

Đến Đồn Biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu) một ngày đầu tháng 4, con đường ra ngã 3 biên giới đang cải tạo cộng với cái nắng khô hanh làm bầu không khí trở nên ngột ngạt. Dưới chân dãy Khoang La San là những bụi cỏ khô cháy.

Bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé có kinh tế phát triển nhưng chưa sản xuất được lúa 2 vụ do thiếu nước.

Thiếu tá Nguyễn Văn Triện, Đội phó Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Pa Chải cho biết: Từ xa xưa người Hà Nhì đã có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang, đào mương đắp đập lấy nước, dùng trâu, bò cày kéo để trồng lúa và làm vườn cạnh nhà... Địa hình đồi núi cao không thể có những cánh đồng rộng thì người dân tạo nên những bãi ruộng nằm men chân núi, bìa rừng hay những vùng đất tích nước nằm dưới thung sâu. Bộ đội biên phòng đóng quân trên địa bàn có nhiệm vụ hỗ trợ bà con mở rộng diện tích, tìm giống lúa nước thích hợp, năng suất cao nhằm thay thế giống lúa cũ đã thoái hóa, năng suất thấp. Trong những năm qua, không thể phủ nhận những nỗ lực của người dân Hà Nhì ở Sín Thầu và lực lượng biên phòng đã khai khẩn, mở rộng hàng chục héc ta lúa nước, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Mô hình bước đầu thành công ở Sín Thầu đã được triển khai, nhân rộng sang xã Sen Thượng. Năm 2014, Thiếu tá Nguyễn Văn Triện là người được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tin tưởng, giao nhiệm vụ tăng cường sang Đồn Biên phòng Sen Thượng giúp 11 hộ dân Hà Nhì ở bản Tả Ló San cải tạo 1,5ha ruộng nước trồng giống lúa IR64. Theo anh Triện, giống lúa này tỏ ra phù hợp với chất đất, vụ đầu tiên cho năng suất khoảng 40 tạ/ha và điều quan trọng hơn cả là người dân nơi đây sẽ dần nhận thấy hiệu quả của việc trồng lúa nước. Điển hình như gia đình ông Pờ Xuân Chừ khai hoang gần 1ha ruộng bên dòng suối gần đường biên để trồng lúa, năng suất bước đầu khá khả quan. Vụ mùa 2016 tới đây, để tiếp tục công cuộc cùng bà con Hà Nhì cải tạo nông nghiệp nơi ngã 3 biên giới, Thiếu tá Nguyễn Văn Triện sẽ đưa giống lúa BC15 lên gieo thí điểm tại một số bản ở Sín Thầu.

Sau một hồi hào hứng chia sẻ với chúng tôi về kết quả tích cực và cả những dự định sắp tới về trồng lúa nước tại vùng biên giới Mường Nhé, bất chợt “chuyên gia nông nghiệp” quân hàm xanh Nguyễn Văn Triện trở nên trầm tư. Anh tâm sự: Hiệu quả bước đầu thì đã rõ, có điều lúa nước hiện nay đã được gieo cấy tại tất cả các bản thuộc Sín Thầu và một số bản ở xã Sen Thượng nhưng chỉ triển khai được 1 vụ (vụ mùa) còn mùa khô như hiện nay thì không thể sản xuất do thiếu nước. Cùng với đó, dù cơ bản người dân Hà Nhì nơi đây ủng hộ chủ trương mở rộng diện tích lúa nước nhưng vẫn còn những hộ dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Có cộng đồng dân cư được bộ đội biên phòng khai hoang, gieo giống, chăm sóc lúa nước đến khi thu hoạch rồi chia cho người dân mà vẫn tỏ ra không mấy mặn mà!

Trao đổi với chúng tôi về phát triển lúa nước trên địa bàn, ông Nguyễn Vũ Phan, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là chìa khóa để xóa đói giảm nghèo, trong những năm gần đây, chính quyền xã thường xuyên vận động nhân dân cải tạo, khai hoang ruộng ven suối để trồng lúa nước; tiến hành phục hóa nương rẫy đề trồng lúa nương, ngô, đậu tương… Điểm đột phá quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Sín Thầu là đã đưa các giống lúa chất lượng cao như IR64, TH1 và bắc thơm vào gieo cấy, thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và giống lúa địa phương. Để tăng năng suất, UBND xã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thâm canh cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo phương châm “cầm tay chỉ việc” cho các hộ gia đình. Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, thu nhập… Sín Thầu hiện có hơn 255ha trồng cây lương thực có hạt, sản lượng đạt 752 tấn, trong đó thóc chiếm 592 tấn; lương thực bình quân đạt khoảng 400kg/người/năm. Về sản xuất lúa nước, tổng diện tích trên địa bàn xã hiện nay là trên 100ha, tập trung ở các bản: A Pa Chải, Pờ Nhù Khồ, Tả Kố Khừ. Tuy nhiên, chỉ bản Tả Kố Khừ, một số hộ trồng được lúa 2 vụ theo dự án điểm. Vấn đề mấu chốt hiện được chính quyền xã đặc biệt quan tâm là đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất, phát huy có hiệu quả các công trình đầu tư thủy lợi vừa và nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, việc tận dụng các khe suối, mương tạm cũng chỉ phục vụ sản xuất một cách manh mún, không ổn định. Vừa qua, huyện đã phê duyệt dự án đầu tư công trình thủy lợi Pờ Nhù Khồ với dự kiến năng lực tưới thường xuyên cho khoảng hơn 100ha, đây cũng là niềm hy vọng để sản xuất lúa nước ở Sín Thầu tiếp tục phát triển.

Bài, ảnh: Nguyệt Lãm
Bình luận
Back To Top