Xây dựng nông thôn mới

Cần những điều chỉnh phù hợp

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 1812 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 18/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả đạt được là rõ rệt song cũng còn đó nhiều hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nhiều chỉ tiêu không đạt

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân, nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện; diện tích, sản lượng cây trồng năm sau cao hơn năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững; nhận thức, trách nhiệm của người dân về xây dựng NTM ngày một nâng cao, trình độ năng lực quản lý của cán bộ địa phương được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 22% so với năm 2010; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 26,4%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 10,3 triệu đồng/người/năm (tăng 1,9 lần so với năm 2010).

Đường vào bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng được bê tông hóa từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới. Ảnh: Phạm Trung

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể thì tiến độ thực hiện các nội dung xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta còn chậm, phần lớn không đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM chỉ có 1 tiêu chí đạt mục tiêu Nghị quyết (tiêu chí quy hoạch với 116/116 xã hoàn thành) và 3 nội dung vượt chỉ tiêu Nghị quyết, gồm: Số xã đạt tiêu chí số 8 về bưu điện (đạt 211,4%); tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia (106,3%); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân/năm (đạt 110%). Nhiều nội dung chưa đạt 50% mục tiêu nghị quyết, cá biệt có những nội dung đạt rất thấp, như: Số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (2,9%); số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường (2,9%). 

Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Do những khó khăn về địa hình, suất đầu tư lớn cũng như khó huy động nguồn lực xã hội hóa nên chúng ta cần xác định tỷ lệ đạt chuẩn NTM phù hợp và có những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù trong xây dựng NTM tại các xã miền núi, biên giới.

Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho rằng: Cần ban hành định mức chuẩn NTM cho phù hợp từng địa phương và phải có cơ chế đặc thù thì mới tạo điều kiện cho địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt và quyết định, bởi sẽ dễ bị “tác động ngược” tới việc thực hiện Chương trình khi các địa phương không có động lực thực hiện vì với điều kiện, thực lực của mình thì chắc chắn sẽ không làm được do yêu cầu quá cao. Hiện nay, huyện Điện Biên có 2 xã Thanh Xương và Noong Hẹt cơ bản hoàn thành 15/19 tiêu chí về NTM. 4 tiêu chí mà cả 2 xã này chưa hoàn thiện là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Đây cũng là những tiêu chí trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, cần cơ chế đặc thù để thực hiện. Do đó, tập trung nguồn lực phải đi cùng với tập trung chính sách mới tạo điều kiện đổi mới nông thôn vùng cao, biên giới.

Để khắc phục khó khăn hiện tại như kể trên trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Lê Trọng Khôi, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đề xuất cần tập trung hoàn thành các tiêu chí không cần nhiều kinh phí, như: Môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội… Bởi xét cho cùng thì xây dựng NTM phải dựa trên thực lực của địa phương và khả năng của người dân. Khi chưa đủ lực thì nên ưu tiên chăm lo đời sống người dân trước. Đối với một số nội dung như: xây dựng chợ, nghĩa trang, khu thể thao theo quy chuẩn... cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp điều kiện thực tế, tránh máy móc “gồng mình” đầu tư xây dựng hoành tráng nhưng không phát huy công năng sử dụng.

Cùng quan điểm, ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tiêu chí về chợ nông thôn chưa thực sự phù hợp bởi không phải xã nào cũng cần phải đầu tư xây chợ, nhất là khu vực vùng cao. Nếu triển khai mỗi xã đầu tư xây dựng một chợ trung tâm theo quy định trong bộ tiêu chí quốc gia dễ dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa” chợ nông thôn. Trong bối cảnh hiện nay, nếu cứ máy móc đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia sẽ là sự lãng phí và trở thành gánh nặng đối với ngân sách, nhất là các xã nghèo. Trong khi thiếu vốn đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.

Điều này đã được minh chứng thực tế trên địa bàn tỉnh ta khi một số chợ được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả. Ví dụ như chợ Mường Toong (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) được đầu tư xây dựng trong khuôn viên trên 5.300m2 gồm: diện tích chợ chính rộng gần 230m2, 1 dãy nhà cấp 4 quản lý chợ, nền sân đất cho người dân để gia súc, phương tiện... quy mô bố trí gần 100 điểm kinh doanh buôn bán; tổng mức đầu tư xây dựng 1,76 tỷ đồng nhưng chợ đã xây xong mà không có dân họp. Ngoài ra, có thể kể đến sự lãng phí đầu tư tại chợ Suối Lư, chợ Mường Luân (huyện Điện Biên Đông)...

Tương tự, theo quy định, đất quy hoạch khu trung tâm văn hóa - thể thao xã phải có diện tích tối thiểu 2.500m2 đối với đồng bằng và 1.500m2 đối với miền núi, hải đảo. Trong đó, hội trường đa năng có 250 chỗ ngồi đối với đồng bằng, 200 chỗ ngồi đối với miền núi. Có các phòng chức năng như phòng hành chính, phòng đọc sách, báo; thông tin truyền thanh; câu lạc bộ, phòng tập các môn thể thao; có dụng cụ chuyên dùng cho các môn thể thao quần chúng ở xã; phải có sân thể thao gồm sân bóng đá, bóng chuyền... Nếu đầu tư đúng tiêu chí đó sẽ vô cùng khó khăn cho phần lớn số xã trong tỉnh.

Hướng đến người dân

Đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có 20% số huyện và 30% số xã cơ bản đạt các tiêu chí NTM. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề bởi điều kiện địa phương khó khăn, chủ yếu phụ thuộc ngân sách Trung ương hỗ trợ. Do vậy, các cấp, ngành cần nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xác định, điều chỉnh mục tiêu phù hợp với thực tế để tạo động lực cho các xã vươn lên. Không điều chỉnh sẽ rất khó thực hiện, nhất là các tiêu chí sử dụng nguồn vốn huy động xã hội hóa. Không điều chỉnh còn dễ dẫn tới “bệnh thành tích” bởi “cố” đạt tiêu chí NTM nhưng chỉ là cái vỏ mà thiếu đi thực chất. Mục đích của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; hiệu quả chương trình được đánh giá bằng sự phù hợp với thực tiễn và chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện chia ra 2 nhóm: tiêu chí “cứng” (bắt buộc địa phương phải thực hiện) và nhóm tiêu chí “mềm” (địa phương linh hoạt thực hiện phù hợp với điều kiện). Đó cũng là một giải pháp để chúng ta xem xét nghiên cứu.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top