Bao thanh toán quốc tế: Cơ hội để các DNVVN phát triển

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 2972 In bài viết
Với mục tiêu tăng khả năng tiếp cận những nguồn vốn thiết yếu cho doanh nghiệp, giải quyết các vấn đề rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu, bao thanh toán (BTT) sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có nhiều cơ hội để phát triển.

Phát biểu tại hội thảo “BTT quốc tế - hỗ trợ các công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp cận các cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế các nước ASEAN (AEC)”, do IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 10/5 tại TPHCM, ông Peter Mulroy, Tổng thư ký Hiệp hội BTT quốc tế (FCI) đánh giá, BTT có vai trò vô cùng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thanh toán nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Ảnh minh họa.

Nhất là ở Việt Nam, với sự lớn mạnh của số lượng các DN trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng không ngừng của xuất nhập khẩu, thì việc tiếp cận sâu rộng hơn các dịch vụ của BTT quốc tế không chỉ giúp các DNVVN nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như thu hút được các đối tác nước ngoài, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia.

Bởi vì, BTT giúp loại bỏ sự thiếu hụt của tín dụng. Các dịch vụ của BTT chỉ dựa trên những số thu có thực, nên nó là tấm gương phản ánh thực tế nền kinh tế. Nó bảo đảm tính an toàn cho các hình thức tài chính,  giúp các DN xác định những hành vi gian dối và tận dụng được các cơ hội kinh doanh.

Các gói dịch vụ của BTT được thiết kế để tạo thuận lợi tối đa cho thương  mại quốc tế nhờ sử dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro và tạo thanh khoản nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Chính vì vậy, tiếp cận sử dụng các dịch vụ của BTT sẽ giúp các DN nói chung và các DNVVN nói riêng có nhiều cơ hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, BTT xuất khẩu có thể giải quyết được những rủi ro từ việc bán hàng trả sau như bảo đảm tín dụng 100% giá trị hoá đơn; ứng tiền mặt ngay; bảo đảm thời hạn thanh toán là 90 ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán; thực hiện các dịch vụ nhờ thu và quản lý các khoản thu đi kèm. Do đó, nếu DN áp dụng hình thức BTT xuất khẩu sẽ tăng doanh thu; tiếp cận nguồn vốn lưu động linh hoạt để tăng doanh thu xuất khẩu; tránh những rủi ro của các giao dịch thanh toán; đặc biệt, có thể cạnh tranh với những bên xuất khẩu từ các nước châu Á.

Theo bà Vương Thị Huyền, Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), nếu thực hiện BTT sẽ giúp DNVVN loại bỏ rủi ro thanh toán xuất khẩu và áp lực mở L/C cũng như các trách nhiệm phải thực hiện L/C. Còn với các đơn vị nhập khẩu, BTT sẽ đóng vai trò là bên điều phối, bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán.

Từ những ưu thế đó, đối với DN xuất khẩu, BTT sẽ đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu đặt hàng, từ đó tăng doanh thu xuất khẩu qua việc chào các điều kiện và điều kiện thanh khoản cạnh tranh hơn. Các DN sẽ được bảo vệ khỏi các tổn thất tín dụng, loại bỏ các chậm trễ khi đàm phán theo L/Cs, giảm chi phí hành chính và tiếp cận được nguồn vốn lưu động linh hoạt.

Trong khi đó, với các DN nhập khẩu, BTT sẽ tiết kiệm được hạn mức tín dụng, sử dụng phương thức thanh toán ghi sổ chậm, tăng cường khả năng nhập khẩu mà không bị chậm trễ và không phải trả phí L/C. Đặc biệt, loại bỏ rào cản ngôn ngữ do đơn vị BTT nhập khẩu có thể hỗ trợ.

Thế nhưng, bà Vương Thị Huyền cho biết, ở Việt Nam BTT vẫn trong giai đoạn thăm dò, triển khai và hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, doanh số BTT tại Việt Nam còn khá khiêm tốn và chưa theo xu hướng chung của toàn cầu.

Nếu như ở Việt Nam, BTT trong nước mới chiếm 20%, BTT xuất nhập khẩu chiếm tới 80%, thì ở châu Á BTT trong nước chiếm 64%, BTT xuất nhập khẩu chiếm 36% và trên thế giới tỉ lệ BTT trong nước chiếm tới 80% BTT, BTT xuất nhập khẩu chỉ có 20% BTT.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều DNVVN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ của BTT và các sản phẩm tài chính của BTT để phát huy hết thế mạnh trong kinh doanh của mình.

Vì vậy, để phát triển BTT tại Việt Nam cho phù hợp với các DNVVN, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH JS Platic Packaging cho rằng, bên cạnh tác động của các chính sách vĩ mô, thì bản thân các nhà cung cấp dịch vụ này phải xây dựng và triển khai sản phẩm sao cho đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các DNVVN tại Việt Nam; thực hiện giá ưu đãi cho các hình thức tài trợ BTT.

Đồng thời tư vấn cho DN trong quá trình áp dụng sản phẩm này để DN hiểu rõ vai trò và lợi ích của BTT đối với sự phát triển của DN trong quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, từ đó nâng cao vị thế và năng lực của các DN Việt Nam.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top