Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng kinh tế

00:00 - Thứ Tư, 11/05/2016 Lượt xem: 2212 In bài viết
Nhu cầu cấp bách hiện nay là phải thiết lập những nền tảng mới, thật sự hữu hiệu cho tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, trong đó có việc cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh hơn.

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội công bố ngày 10/5.

Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo kết quả nghiên cứu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đưa ra 2 kịch bản lạm phát và GDP cho năm 2016 với những dự báo khó khăn. Với kịch bản thứ nhất, lạm phát là 4,24% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,05%. Kịch bản thứ hai khi GDP cao hơn lên mức 6,38% thì lạm phát chạm mức 5,17%.

“Chỉ trong trường hợp có những nỗ lực cải cách đột phá của Chính phủ, mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thì tăng trưởng mới có thể đạt 6,5% và hướng tới mục tiêu đã đặt ra ban đầu”, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Về mặt bằng giá, đại diện VEPR dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%, và với kịch bản thấp hơn, lạm phát sẽ vào khoảng 4,2%.

Nhưng mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực), các yếu tố nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu.

Viện trưởng VEPR khuyến nghị, cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục. Trong trung hạn cần có chính sách hướng tới là nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ cần gấp rút thực hiện một số giải pháp nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là những định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng của dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công khá eo hẹp và tỉ lệ tiết kiệm nội địa trong nước đã ở ngưỡng khá cao so với tương quan thu nhập đầu người.

Có cùng quan điểm, TS. Đặng Ngọc Tú nhận định rằng, động lực tăng trưởng cho năm 2016 sẽ phải trông đợi vào đầu tư nước ngoài và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Do đó, ông Đặng Ngọc Tú đồng tình với quan điểm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, trong đó động thái của Chính phủ mới là rất đáng khích lệ.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị phải cải cách dứt điểm khu vực doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hóa để tránh lãng phí nguồn lực. Việc cổ phần hóa này cần phải được thực hiện gấp rút nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và năng suất tổng hợp của nền kinh tế.

Nhấn mạnh yếu tố môi trường, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh đến yếu tố tăng trưởng phải thật sự đi đôi với bảo vệ môi trường để tránh trả giá bằng những chi phí lớn hơn sau này.

TS. Lê Đăng Doanh đặc biệt hoan nghênh sự cẩn trọng của lãnh đạo Chính phủ đối với “dự án tỷ đô” trên sông Hồng.

Việc Chính phủ chỉ đạo thu thập thêm các ý kiến của các địa phương liên quan, nhà khoa học, các tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho người dân là hết sức cần thiết, phản ánh quan điểm rõ ràng hơn về sự phát triển bền vững.

Theo Chinhphu
Bình luận
Back To Top