Tăng lương và nỗi lo tăng giá

09:24 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 4390 In bài viết
ĐBP - Từ ngày 1/5/2016, lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị Nhà nước tăng từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng (căn cứ theo Nghị quyết 99/2015/QH13 ngày 11/11/2015 của Quốc hội khóa XIII). Bên cạnh niềm vui được tăng lương, thì nhiều người cũng lo lắng khi giá cả thị trường cũng rục rịch tăng theo...
Câu chuyện “nước nổi, thuyền nổi” của lương và giá diễn ra nhiều năm qua và nhiều người cảm thấy như một sự tất yếu, thậm chí khi nhắc đến, họ bình thản coi như đây là điều “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Sau 3 năm lương cơ bản giữ ở mức 1.150.000 đồng, quyết định tăng lương của Chính phủ có tác động như thế nào đến thị trường, đời sống trên địa bàn tỉnh ta? Phản ứng, trả lời của người dân, đơn vị chuyên môn và nhà cung cấp hàng hóa ra sao về hiệu ứng lương tăng thì cần phải có một cuộc khảo sát cụ thể và nhìn nhận từ nhiều góc độ.

Lương tăng từ 1/5 nhưng hiện giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh chưa có biến động. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Hoa Ba, TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: P.V

Khi nhắc đến việc tăng lương, bà Nguyễn Thị Liên (tổ dân phố 5, phường Mường Thanh, cán bộ đã về hưu nay mở một quán giải khát gần Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ) tỏ ra ngạc nhiên và hỏi chúng tôi: Lương tăng từ lúc nào vậy? Có áp dụng cho lương hưu và đã chính thức chuyển vào lương hàng tháng chưa? Hỏi một hồi, rồi như một sự lo lắng thường trực, bà Liên bảo: Lương tăng được một chút, giá cả cũng đồng loạt “té nước theo mưa” thôi! Người có lương còn ra một nhẽ, người không có lương thì chẳng biết phải xử lý, cân đối chi tiêu thế nào... Thực tế, sự lo lắng của nhiều người khi chính sách lương mới được áp dụng là có cơ sở, thậm chí, khi được hỏi, có người còn cho rằng: Lương cơ bản tăng thêm 5% chỉ là hình thức, không giúp cải thiện nhiều cho công chức, viên chức, không đủ để bù trượt giá, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của thị trường luôn sẵn sàng tăng mạnh.

Trở lại với tình hình giá cả thị trường cho đến thời điểm này, theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 5 vẫn giữ ở mức ổn định, một số mặt hàng thiết yếu còn giảm, như: Gạo Tám thơm (loại phổ thông) giảm từ 17.000 đồng/kg xuống 15.000 đồng/kg do lúa chiêm xuân đang vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Đức Thanh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Huyện Nậm Pồ thuộc vùng sâu, vùng xa, khi có những biến động về giá cả theo hướng tiêu cực ở tầm vĩ mô thì gần như lập tức sẽ tác động đến thị trường Nậm Pồ và người tiêu dùng nơi đây sẽ thiệt thòi hơn ở những khu vực trung tâm do họ phải chịu thêm gánh nặng về cước vận chuyển. Đến thời điểm đầu tháng 6, nhìn chung tình hình hàng hóa tại Nậm Pồ tiêu thụ tương đối chậm. Dù điều kiện giao thông, thông thương hàng hóa còn rất nhiều khó khăn nhưng qua cuộc kiểm tra, khảo sát gần đây nhất, đã có sự cạnh tranh giữa các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu. Đơn cử như tại xã Na Cô Sa, giá một chai nước Cocacola loại 1,5 lít thông thường được bán với giá 10.000 đồng nhưng tại một cửa hàng tạp hóa trong xã lại bán với giá 8.000 đồng để cạnh tranh với các cửa hàng khác. Đây là điều có lợi cho người tiêu dùng. Trong năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng chưa đầy 1% và việc quản lý chất lượng hàng hóa, giá cả tại cơ sở thuộc trách nhiệm của chúng tôi nhưng những biến động tại thị trường lớn mới là điều đáng lo ngại...

Tương tự quan điểm của đơn vị chuyên môn, ông Hoàng Bá Duy, quản lý kinh doanh tại Siêu thị Hoa Ba, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Giá cả những mặt hàng thiết yếu tại Siêu thị vẫn giữ như tại thời điểm quý I/2016. Ví dụ như: Mỳ chính Ajinomoto Việt Nam loại 454gram giá 29.000 đồng/gói, bột canh Hải Châu 4.000 đồng/gói, nước mắm Chin Su 29.000 đồng/chai thủy tinh 500ml... Thông thường khi tăng giá mỗi sản phẩm, các nhà cung cấp hàng hóa cho Siêu thị đều báo trước trong thời hạn khoảng 1 tháng. Bởi khi quyết định cung cấp một sản phẩm mới tăng giá, đội ngũ kinh doanh của Siêu thị phải khảo sát, nghiên cứu thị trường; với tiêu chí mỗi sản phẩm bán ra ít nhất bằng giá hoặc thấp hơn các điểm bán lẻ hàng hóa khác tại Điện Biên, số lượng mặt hàng cần cân đối cho phù hợp, hiệu quả với chiến lược kinh doanh của Siêu thị. Cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, chi phí cho tiêu dùng sinh hoạt, nhất là ăn uống tại TP. Điện Biên Phủ tương đối đắt đỏ so với thị trường miền xuôi nhưng chính vì vậy lại khiến chúng tôi hy vọng không có biến động lớn về giá cả hàng hóa sau đợt tăng lương này.

Dù chưa có những thay đổi rõ rệt của thị trường, giá cả trên địa bàn tỉnh sau quyết định tăng lương của Chính phủ nhưng chưa có gì chắc chắn giá hàng hóa sẽ không tăng trong thời gian tới. Vì vậy, người tiêu dùng cần chủ động quản lý, cân đối chi tiêu và các đơn vị chuyên môn, quản lý Nhà nước của tỉnh cũng nên hoạch định những điều chỉnh về chính sách phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top