Kế hoạch trồng 10.000ha rừng ở Mường Nhé:

Liệu có hoàn thành?

10:04 - Thứ Hai, 13/06/2016 Lượt xem: 4154 In bài viết
ĐBP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Nhé lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ toàn huyện trồng từ 8.000 - 10.000ha rừng, nâng độ che phủ của rừng lên 51,5%. Để thực hiện mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần bảo đảm QP - AN giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, có thực hiện được mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng hay không thì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố...
Chỉ tiêu cao

Hiện nay huyện Mường Nhé có gần 135.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 85,5% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó diện tích có rừng còn 72.555ha, đây là lợi thế lớn để huyện đẩy mạnh phát triển cây lâm nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Nhé lần thứ IV đã xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu trồng mới 8.000 - 10.000ha và trồng 800.000 cây phân tán (tương đương với 500ha rừng), nâng độ che phủ rừng lên 51,5%.

Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Bình Minh Sáng chăm sóc vườm ươm giống tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Theo Nghị quyết sẽ tập trung trồng rừng sản xuất thành vùng tập trung nhằm tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo nguyên liệu gỗ cho việc mở nhà máy chế biến gỗ có công suất 30.000m3/năm, tận dụng triệt để quỹ đất và lao động nông thôn, ổn định đời sống cho người dân. Đảm bảo các hộ dân trồng rừng sản xuất có thu nhập bình quân từ 400 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh trở lên, tương đương 80 triệu đồng/ha/năm trở lên. Để đạt mục tiêu đó, huyện đã tập trung các nguồn lực, triển khai đồng bộ các chương trình, dự án trồng rừng, không những nâng độ che phủ của rừng mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện đề ra, bình quân mỗi năm huyện Mường Nhé phấn đấu trồng mới hơn 2.000ha và có 9/11 xã được phân bổ chỉ tiêu mỗi năm trồng mới 200ha rừng (trừ xã Sen Thượng và Sín Thầu). Ông Nguyễn Quang Sáng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, huyện đã đề ra các giải pháp thực hiện, trong đó tập trung vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và hạn chế sâu bệnh, ưu tiên phát triển cây keo. Đồng thời, thu hút các nguồn lực đầu tư cho lâm nghiệp, phát triển hệ thống đường lâm nghiệp theo quy hoạch tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân trồng rừng, nâng cao thu nhập từ rừng trồng. Việc tuyên truyền về vai trò, lợi ích, chính sách bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đến tận thôn, bản, hộ gia đình; phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân. Đảm bảo 100% người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, cơ quan chuyên môn nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của mình và nắm chắc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lâm nghiệp. Cơ bản các hộ dân sống gần rừng, trong rừng được tuyên truyền, tiếp cận và hiểu biết các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời tăng cường vận động nhân dân bỏ dần loại hình canh tác nương quảng canh, chuyển sang trồng rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh rừng.

Thực hiện Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư, góp phần đảm bảo QP-AN giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Mường Nhé (cơ quan thường trực) đã triển khai công tác tuyên truyền, mở các lớp hướng dẫn người dân về trồng và bảo vệ rừng... đến các xã. Hiện tại cơ bản các khâu đã chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm nay đã xong hết, chỉ đợi đến ngày trồng rừng, dự kiến giữa tháng 6 này sẽ phát cây cho người dân. Có thể nói, đây là nhiệm kỳ đầu từ trước đến nay Ban chấp hành Đảng bộ Huyện đề ra mục tiêu trồng rừng lớn đến như vậy.

Tuyên truyền đã “thấm”?

Chỉ tiêu là vậy, nhưng việc có thực hiện được không đòi hỏi quyết tâm rất lớn của cấp chính quyền và người dân, nhất là có cách làm linh hoạt phù hợp. Bởi thực tế, theo báo cáo về kết quả trồng rừng nhiệm kỳ 2010 - 2015 của huyện Mường Nhé chỉ trồng được 214,20ha rừng. Tập trung ở các xã: Mường Toong, Nậm Kè, Pá Mỳ, Quảng Lâm, Mường Nhé... Trong khi Nghị quyết trồng rừng mới đặt ra chỉ tiêu, mỗi xã phải trồng 200ha.

Thực hiện mục tiêu trồng rừng năm nay, huyện Mường Nhé đã hợp đồng với các công ty ươm cây giống chủ động cho mùa trồng rừng.

Ông Trần Trung Kiên, trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: dù các khâu chuẩn bị cho công tác trồng rừng năm nay đã hoàn tất, song tổng hợp số liệu của các xã thì người dân đăng ký trồng rừng chỉ đạt 1.000ha. Như vậy, có thể thấy rằng, chỉ tiêu cụ thể huyện giao cho các xã hàng năm đến thời điểm hiện tại đã không đạt được. Theo ông Kiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không đạt chỉ tiêu huyện giao, như: Một số bản thành lập theo Đề án 79 chưa được giao đất, giao rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ việc trồng rừng còn nhiều bất cập và thấp, chưa giúp người dân sống được với rừng. Việc sở hữu đất đai và tài sản cây trồng trên đất chưa được xác lập, lợi ích của người dân chưa được xác định rõ ràng, minh bạch... là “rào cản” trong việc thu hút người dân tham gia trồng rừng. Bên cạnh những nguyên nhân đó, còn có những nguyên nhân khác dẫn đến việc ít người dân đăng ký tham gia trồng rừng, đó là: công tác tuyên truyền chưa “thấm”.

Xã Nậm Vì, là một trong những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn, có khả năng trồng rừng cao, diện tích đất trống còn nhiều. Cũng như những xã khác, năm nay Nậm Vì được huyện giao chỉ tiêu trồng mới 200ha rừng. Ông Tống Văn Khi, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Vì cho biết: “Huyện giao chỉ tiêu 200ha rừng, so với những năm trước là quá lớn. Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền người dân về mục đích, ý nghĩa việc trồng rừng và trồng rừng chủ yếu phục vụ người dân, thế nhưng đến nay, người dân mới đăng ký trồng rừng được gần 100ha. Thậm chí có bản còn không hộ nào đăng ký”. Thế nhưng, được biết thêm rằng thực tế công tác tuyên truyền ở xã Nậm Vì vẫn chưa thực sự tích cực. Nhiều bản ở xa, đường đi lại khó khăn, cán bộ xã chỉ phổ biến lại cho trưởng bản, trưởng bản về phổ biến lại cho bà con. Tuyên truyền qua loa thì bà con khó có thể nắm kỹ và hiểu rõ được.

Ở xã Chung Chải người dân chỉ đăng ký được 135ha, nhưng hầu như chỉ có người dân bản Nậm Khum đăng ký. Nguyên nhân được biết cũng chỉ vì tuyên truyền chưa tới, chưa “thấm” khiến người dân chưa hiểu, nhận thức được lợi ích việc trồng rừng. Theo anh Giàng A Sình, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải: Trước hết phải giải thích rõ để người dân hiểu, phải cho bà con thấy được lợi ích của việc trồng rừng thì họ mới đăng ký tham gia. Muốn vậy, thì công tác tuyên truyền không phải là lần một, lần hai mà phải thường xuyên, liên tục. Xã Chung Chải, có nhiều bản xa trung tâm, đường giao thông khó khăn, thậm chí không đi được xe máy nên công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Nếu cán bộ xã đến từng bản tuyên truyền thì không thể đi thường xuyên được, bởi liên quan đến nhiều vấn đề, như công việc, kinh phí, thời gian... còn nếu vận động người dân ra trung tâm xã thì họ không ra. Vì vậy, mặc dù huyện Mường Nhé có lợi thế về đất đai nhưng số người dân đăng ký tham gia trồng rừng vẫn còn khiêm tốn.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 trồng mới được từ 8.000 - 10.000ha rừng huyện Mường Nhé sẽ thực hiện thế nào và bằng cách nào, song đến thời điểm hiện tại thì việc giao chỉ tiêu trồng rừng đến các xã đã không hoàn thành.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top