Ngân hàng cần đa dạng hóa giải pháp tăng vốn

16:19 - Thứ Ba, 14/06/2016 Lượt xem: 3802 In bài viết

Các ngân hàng thương mại Nhà nước vừa giữ nhiều vai trò trong hoạt động kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, để bảo đảm hệ số an toàn vốn và hội nhập hiệu quả, các ngân hàng cần áp dụng đa dạng các biện pháp tăng vốn nhằm nâng cao quản trị rủi ro.

Đây là nội dung chính trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Ở nước ta, hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) là kênh dẫn vốn chủ chốt trong nền kinh tế. Trong thành công chung của ngành, khối ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) đóng vai trò trọng yếu bằng việc đi đầu, dẫn dắt toàn ngành trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và ngành.

Đến cuối năm 2015, khối NHTMNN gồm 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) chiếm 45% tổng tài sản; 50,2% tổng dư nợ tín dụng và 46,3% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối NHTMNN thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm.

Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, tài sản có rủi ro của khối NHTMNN tăng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay (gần chạm ngưỡng tối thiểu  9% theo quy định của NHNN, mức bình quân của ASEAN là 10,3%).

Tình trạng tăng vốn tự có không đủ bù đắp mức tăng tài sản có rủi ro của khối NHTMNN làm suy giảm hệ số an toàn vốn.

Về giải quyết vấn đề tăng vốn, theo kinh nghiệm từ một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, nguồn vốn để hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM gặp khó khăn đều từ ngân sách Nhà nước. Nguồn vốn này một mặt giúp các NHTM bị ảnh hưởng nhanh chóng khôi phục lại hoạt động, mặt khác làm nền tảng giúp các NHTM tiếp tục triển khai các biện pháp tăng vốn khác. 

Ở Việt Nam, các NHTMNN đang ở trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm bảo đảm năng lực tài chính.

Cụ thể, về tăng vốn từ giải pháp giảm chi trả cổ tức, trong giai đoạn 2013-2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, toàn bộ cổ tức của NHTMNN phải chuyển nộp về NSNN. Trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định việc yêu cầu chia cổ tức bằng tiền mặt không phải vì ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn mà là "thực hiện đúng quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, ngay cả khi ngân sách Nhà nước không khó khăn vẫn phải thu cổ tức”.

Cần đa dạng hóa giải pháp tăng vốn

Cơ quan nghiên cứu của BIDV cho rằng, các giải pháp cần thực hiện ngay, bao gồm: NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận cho các NHTMNN được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng; bản thân các NHTMNN cần tăng cường quản lý rủi ro để giảm được chi phí dự phòng rủi ro là khoản mục chi phí rất lớn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cần thực hiện tiết kiệm triệt để chi phí quản lý nhất là các khoản chi lễ tân, khánh tiết. Mỗi ngân hàng có thể đặt mục tiêu cắt giảm 3-4% chi phí quản lý so với dự toán ngay trong năm 2016.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTMNN (hiện đang ở mức 65-95%). Giải pháp tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất có lợi, do nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý.

Các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng trong đó cổ đông Nhà nước nếu không đủ nguồn lực thì có thể từ chối quyền mua. Khi đó các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông nhỏ lẻ để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn. Giải pháp này chỉ thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỉ lệ sở hữu, trong điều kiện thị trường chứng khoán ổn định và phát triển thuận lợi.

Bên cạnh đó, có thể cho phép các NHTMNN được tạm ứng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn trong năm 2016.

Về dài hạn, các NHTMNN phát hành trái phiếu tăng vốn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thu hút nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, cần giảm sở hữu tại các NHTMNN về ở mức tối đa 51% đến năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các NHTMNN thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính và tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là kênh đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm áp lực tăng trưởng tín dụng dài hạn từ NHTM...

Theo Chính phủ
Bình luận
Back To Top