Tránh tình trạng "chuyển" điều kiện kinh doanh!

09:26 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 3867 In bài viết

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, từ 1-7-2016, chỉ có ba cơ quan, gồm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có quyền ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc có tới 3.299 điều kiện kinh doanh tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã ban hành sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành, nếu không được ghi nhận trong các nghị định. Bởi vậy, dường như đang có một cuộc đua chạy nước rút âm thầm và hối hả để “chuyển” các điều kiện kinh doanh từ dạng thông tư sang “sân chơi” chính thức mới là nghị định.


Theo thống kê của VCCI đến ngày 10-6-2016, trong tổng số 49 nghị định hướng dẫn về điều kiện kinh doanh cần ban hành mới, chỉ có 38 nghị định đã trình Chính phủ, còn 11 nghị định chưa trình. Trong số đó, chỉ có 24 nghị định lấy ý kiến VCCI. Nhiều dự thảo nghị định đang được tăng tốc xây dựng, trình phê duyệt, bỏ qua nhiều công đoạn trong quy trình, như đăng dự thảo trên mạng, lấy ý kiến doanh nghiệp, đánh giá tác động, tổ chức hội thảo, thuyết minh, giải trình, tiếp thu ý kiến; thậm chí, cường độ căng tới mức có tới 44 dự thảo nghị định loại này được một cơ quan bộ đầu mối thẩm định chỉ trong một tuần… Bởi vậy, có một số điều kiện kinh doanh cũ vẫn được “lấy lại” từ thông tư cũ hoặc “đẻ thêm” trong dự thảo nghị định mới…


Thực tế thời gian qua cho thấy, trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (mới đây thêm ngành, nghề kinh doanh thứ 268 là dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn), có 98 ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 69 loại ngành nghề cần có chứng chỉ hoặc thẻ hành nghề; 31 ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, tiền ký quỹ. Tương ứng là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định đủ loại của các bộ. Hơn nữa, vẫn còn tồn tại cả những giấy chứng nhận không cần thiết, như “giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”; “văn bản công nhận, xác nhận đủ điều kiện...” các loại. Hàng loạt “điều kiện kinh doanh” - “giấy phép con” này đã và đang tạo áp lực đối với doanh nghiệp, có thể làm nản lòng hoặc thui chột các ý tưởng kinh doanh, cũng như dễ trở thành “điều kiện” nhũng nhiễu doanh nghiệp cho một số cán bộ, công chức, viên chức thuộc các bộ, ngành, địa phương nắm quyền cấp phép…

Điều kiện kinh doanh là một bộ phận hợp thành quan trọng của môi trường kinh doanh, làm giảm và minh bạch hóa chúng là động lực phát triển doanh nghiệp; đồng thời, phản ánh chất lượng cạnh tranh của môi trường kinh doanh; cũng như phản ánh mục tiêu, thước đo tiêu chí đánh giá chất lượng bộ máy thể chế, sự chuyên nghiệp, năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung, đối với doanh nghiệp nói riêng.

Thực tiễn thế giới và trong nước đã và đang có nhiều bài học sâu sắc về hệ lụy của các cuộc khủng hoảng nợ do thiếu kiểm soát các khoản nợ và công cụ nợ phái sinh, dưới chuẩn. Việc duy trì các điều kiện kinh doanh dưới chuẩn trong các văn bản pháp lý hợp chuẩn sẽ không chỉ hạ thấp chất lượng văn bản pháp lý, mà có thể kéo theo những tác hại khôn lường về sau. Tình trạng “tăng tốc” rút ngắn tiến độ và quy trình xây dựng nghị định (mà đáng nhẽ phải được chuẩn bị kỹ càng, cẩn thận), khiến rất dễ xảy ra tình trạng nghị định bị “đẻ non”, chất lượng không cao, thậm chí là kiểu “bình mới-rượu cũ”. Thực thi nghiêm túc, có trách nhiệm quy trình xây dựng nghị định, loại bỏ những điều kiện kinh doanh trái luật, lỗi thời và không cần thiết, sẽ giúp Việt Nam có môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, bình đẳng, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế... 

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top