Sa Lông đa dạng hóa cây trồng trên nương

15:16 - Thứ Tư, 15/06/2016 Lượt xem: 5327 In bài viết
ĐBP - Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa, những năm qua, người dân xã Sa Lông, huyện Mường Chà đã mạnh dạn đầu tư đưa nhiều giống cây mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là chuyển đổi từ lúa nương sang trồng khoai sọ và dứa, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.
Với diện tích đất sản xuất chủ yếu là nương dốc, cũng như nhiều xã vùng cao khác, trước đây cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của xã là lúa nương. Tuy nhiên, do thiếu nước nên năng suất lúa không ổn định, giá trị thu nhập không cao, việc canh tác cũng không bền vững do đất nhanh bạc màu. Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, người dân xã Sa Lông đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, lựa chọn một số cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để đầu tư sản xuất. Một trong số đó là khoai sọ.

Nông dân xã Sa Lông, huyện Mường Chà chăm sóc dứa.

Mặc dù không phải là cây trồng mới, nhưng trước đây, khoai sọ chỉ được trồng nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Với đặc tính chịu hạn, phù hợp với điều kiện trồng trên nương, dễ trồng và ít sâu bệnh hại, khoai sọ là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở Sa Lông. Từ năm 2011, nhận thấy khoai sọ cho giá trị kinh tế, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, phát triển trồng khoai sọ trở thành hàng hóa. Với năng suất bình quân 5 – 6 tấn/ha, có nơi đất tốt đạt gần 10 tấn/ha, trừ chi phí cho thu lãi từ 35 – 40 triệu đồng, cây khoai sọ giúp nhiều hộ dân ở Sa Lông có thu nhập ổn định.

Ông Hạng Phử Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông cho biết: Thông thường, khoai sọ được người dân trồng vào khoảng tháng 2 – 3 và thu hoạch vào tháng 10. Giống khoai sọ vẫn là giống địa phương với 2 loại khoai sọ trắng và khoai sọ tím. Giá bán khoai sọ trắng trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, còn củ màu tím được đánh giá có chất lượng tốt hơn, vị đậm và bở hơn nên giá bán khoảng 15.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, do khoai sọ có thời gian sinh trưởng tương đối dài (khoảng 8 tháng) nên người dân có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày để tận dụng đất, chống xói mòn, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Đến nay, khoai sọ đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của Sa Lông với diện tích trên 25ha, tập trung chủ yếu ở các bản: Sa Lông 1 (9ha), Sa Lông 2 (7ha), Cổng Trời (6ha)… Để cây khoai sọ phát triển bền vững và phát huy hiệu quả kinh tế, xã Sa Lông đã đề nghị huyện Mường Chà có cơ chế hỗ trợ giống và phân bón để người dân cải tạo những diện tích đất xấu để trồng khoai sọ, từ đó, góp phần tăng diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Cùng với cây khoai sọ, khoảng 4 năm trở lại đây, người dân Sa Lông còn có thêm nguồn thu nhập từ trồng dứa. Theo nhiều người dân, trồng 1ha lúa nương trung bình cho thu hoạch trên 1 tấn thóc, bán được từ 6 – 7 triệu đồng. Đó là chưa tính tới công cày, bừa, gặt hái, giống, phân bón. Hơn nữa trồng lúa dễ bị sâu bệnh, thú rừng phá hoại và phải phụ thuộc vào thiên nhiên. Còn cây dứa dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian canh tác ngắn, quả dứa dễ tiêu thụ; trung bình 1ha dứa cho thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/vụ, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa nương. Do đó, từ nhiều năm nay, dứa dần trở thành một trong những cây trồng chính góp phần thay đổi kinh tế cho nhiều gia đình ở Sa Lông.

Là một trong những người tiên phong trồng dứa ở Sa Lông, sau hơn 4 năm gắn bó với cây dứa, gia đình anh Lý A Kỷ đã thực sự “đổi đời”. Từ chỗ nằm trong danh sách hộ nghèo của xã, cây dứa đã giúp gia đình anh có của ăn của để. Anh Kỷ chia sẻ: Năm 2012, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dứa của một số hộ dân ở xã Na Sang, sau khi tìm hiểu, vợ chồng tôi quyết định sang Lào Cai làm thuê lấy công đổi cây giống mang về trồng. Lúc đầu tôi chỉ trồng thử khoảng 5.000 gốc dứa, vụ dứa đầu tiên cho thu lãi gần chục triệu đồng. Từ đó, tôi tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay gia đình tôi có trên 80.000 gốc dứa, vụ dứa vừa qua, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên 130 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây dứa, nhiều hộ dân ở Sa Lông đã học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để phát triển sản xuất. Từ mấy nghìn mét vuông trồng dứa ban đầu, đến nay sau hơn 4 năm, Sa Lông đã mở rộng khoảng 15ha trồng dứa, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Việc sử dụng các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập cho bà con, đồng thời thay đổi tập quán sản xuất là cần thiết. Bởi vậy, xã Sa Lông đang có chủ trương đưa cây dong riềng vào trồng thử, dự kiến đầu năm 2017 sẽ trồng thí điểm từ 5 – 6ha dong riềng. Nếu hiệu quả, cùng với dứa, khoai sọ, dong riêng sẽ góp phần từng bước đưa Sa Lông chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top