Sam Mứn phát triển nghề nuôi ong

10:16 - Thứ Sáu, 17/06/2016 Lượt xem: 4652 In bài viết

ĐBP - Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn (huyện Điện Biên) cho biết: Những năm gần đây, người dân Sam Mứn đã khai thác tiềm năng kinh tế rừng để phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, mang lại thu nhập không nhỏ. So với thu nhập từ lúa, rau màu, có thể nói nuôi ong là nghề đem lại thu nhập cho người dân; vừa khai thác tối đa nguồn thức ăn dồi dào có sẵn trong tự nhiên, vừa góp phần bảo vệ rừng từ việc khoanh nuôi, phát triển thêm nguồn cây, nguồn hoa. Từ đó, người dân có thu nhập “kép” từ rừng: lấy gỗ, nuôi ong...

 

Từ nghề nuôi ong lấy mật ở Sam Mứn đã xuất hiện nhiều triệu phú trẻ, với thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng/năm. Trong ảnh: Anh Đỗ Xuân Đoàn (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn một số hộ dân trong xã kỹ thuật nuôi ong.

Hiện nay, xã Sam Mứn có hàng chục hộ gia đình theo nghề nuôi ong lấy mật. Nhà nhiều có đến 300 - 400 thùng ong, ít cũng từ 50 - 100 thùng. Nuôi ong chủ yếu dựa vào nguồn hoa trên rừng, do đó các hộ gia đình đều phân chia nhân công túc trực tại rừng để coi ong; nhất là vào thời gian thu hoạch mật. Đến mùa thu hoạch mật, hàng trăm tấn mật ong phân phối vào thị trường các tỉnh phía Nam. Anh Đỗ Văn Kết, ở đội 12 có gần 300 thùng ong phát triển từ 50 thùng ban đầu, anh cho biết: Nghề nuôi ong không đòi hỏi quá nhiều công sức, nhưng người nuôi phải có kinh nghiệm về ong. Trong năm, hộ nuôi ong sẽ mất khoảng thời gian từ 3 - 4 tháng phải đầu tư thức ăn, do lượng hoa trong rừng thấp. Mỗi thùng ong sẽ cho thu hoạch từ 30 - 40kg mật; với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập trên 3 triệu đồng/vụ. Hàng năm gia đình anh Kết cung cấp hàng chục tấn mật có chất lượng, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Đào Duy Hải cũng là một trong những hộ nuôi ong có kinh nghiệm của xã Sam Mứn. Với 20 thùng ong đầu tư ban đầu, đến nay anh đã phát triển trên 100 thùng. Anh Hải chia sẻ: Nuôi ong mật đầu tư không lớn, ong thường được đặt trong rừng để tự kiếm thức ăn từ nguồn hoa tự nhiên. Người nuôi chủ yếu nghiên cứu giống ong để có sản lượng mật lớn. Hiện nay, nhiều hộ trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình nuôi ong mật sang nuôi ong Ý, ong Mỹ để có sản lượng mật cao hơn và dễ tiếp cận với thị trường hơn. Bởi đây là các loại ong cho sản phẩm mật để xuất khẩu. 

Hiện Sam Mứn có trên 400ha rừng được khoanh nuôi và bảo vệ. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển lâm nghiệp. Từ đó, người dân không chỉ nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn hiểu được nguồn lợi từ rừng đem lại, trong đó có hoa rừng để ong lấy mật, phấn hoa. Từ diện tích được nhận khoanh nuôi, các hộ gia đình nuôi ong lấy mật, đã trồng xen hàng trăm cây nhãn, vải thiều… vừa mang lại thu nhập từ quả vải, nhãn vừa tạo nguồn hoa để nuôi ong; người dân nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng đã giảm thiểu việc đốt rừng làm nương.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top