Khẩn trương giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về diện tích rừng đến các cấp huyện, xã

12:13 - Thứ Bảy, 18/06/2016 Lượt xem: 8077 In bài viết

ĐBP - Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn tại buổi làm việc ngày 17/6 với UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; tình hình phát triển cây cao su, mắc ca và vấn đề dân di cư tại huyện Mường Nhé. Tiếp và làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 823 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 330 vụ phá rừng trái pháp luật. Lực lượng chức năng đã xử lý 518 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 4 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch chăm sóc và phát triển rừng năm 2016 của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã chăm sóc được 367ha rừng trồng (đạt 84% kế hoạch); giao khoán khoanh nuôi tái sinh 2.529ha rừng (đạt 16% kế hoạch); công tác trồng rừng mới đang triển khai khảo sát, thiết kế và chuẩn bị cây giống.

Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên có 4 nông, lâm trường quốc doanh (1 nông trường và 3 lâm trường). Tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi nông trường quốc doanh (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Cây công nghiệp Điện Biên) thành Công ty Cổ phần chế biến nông sản Điện Biên trực thuộc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, tổng diện tích quản lý theo hiện trạng khi chuyển đổi là 652,06ha; hoàn thành việc chuyển đổi 3 lâm trường thành các Ban quản lý rừng phòng hộ, cụ thể: Lâm trường Điện Biên chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên; lâm trường Tuần Giáo chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo; lâm trường đặc sản Điện Biên chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn kết luận buổi làm việc.

Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai trồng 5.135ha cao su, trong đó: Công ty Cổ phần cao su Điện Biên trồng 3.766ha; Công ty Cổ phần cao su Mường Nhé trồng 1.195ha và cao su tiểu điền 173ha. Diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh là 791,1ha, trong đó trồng tập trung 180,8ha; trồng xen 610,3ha.

Đối với tình trạng di cư tự do đến huyện Mường Nhé, từ thời điểm 30/4/2011 đến nay, toàn huyện có 395 hộ với 2.021 nhân khẩu di cư tự do đến huyện Mường Nhé. UBND huyện Mường Nhé đã phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn vận động 52 hộ, 266 nhân khẩu quay về chỗ ở cũ. UBND tỉnh đã có văn gửi đến 8 tỉnh có dân di cư vào địa bàn song đến nay, mới có 4 tỉnh: Đắk Nông; Lào Cai, Cao Bằng và Yên Bái cử đoàn công tác vào huyện Mường Nhé để kiểm tra, rà soát số hộ dân di cư. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bên chưa chặt chẽ nên công tác chuyển dân di cư về nơi ở cũ không đạt hiệu quả.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nhất là các vụ phá rừng trái pháp luật của dân di cư tự do tại huyện Mường Nhé; tỷ lệ xử lý các vụ vi phạm còn thấp (đạt 36,6%); đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo sinh kế cho người dân, từ đó hạn chế tình trạng phá rừng; xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể và đẩy mạnh tuyên truyền về công tác trồng rừng nhằm nâng cao hiệu quả trồng rừng, trồng cây phân tán…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đề nghị trong thời gian tới UBND tỉnh Điện Biên phải xây dựng chương trình bảo vệ, phát triển rừng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách bảo vệ rừng, UBND tỉnh cần triển khai sớm việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước về diện tích rừng đến các cấp huyện, xã; đồng thời, củng cố, duy trì hoạt động có hiệu quả các Ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR. Tập trung xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng trái phép, nhất là tại huyện Mường Nhé. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương không được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, đồng thời chú trọng giải quyết các cơ chế, chính sách cho người dân theo Đề án 79 nhưng tuyệt đối phải tuân thủ quy hoạch, xử lý nghiêm những đối tượng chống đối, kiên quyết ngăn chặn dân di cư tự do vào địa bàn.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top