Nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ

Tiếp sức cho Điện Biên phát triển

08:27 - Thứ Tư, 22/06/2016 Lượt xem: 4800 In bài viết
ĐBP - Để thuận lợi khai thác Cảng Hàng không Điện Biên Phủ, đáp ứng yêu cầu cho các loại máy bay lớn, hiện đại có thể cất, hạ cánh, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên Phủ, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Hiện tại cơ sở hạ tầng sân bay Điện Biên Phủ đạt cấp 3C, mới chỉ đáp ứng yêu cầu khai thác máy bay ATR72 và tương đương trở xuống. 

Do đó sân bay Điện Biên Phủ chỉ có thể khai thác các chặng bay ngắn như Hà Nội – Điện Biên, Hải Phòng – Điện Biên; các chặng bay tầm trung từ Đà Nẵng – Điện Biên trở lên không thể khai thác vì đường bay dài, máy bay không đủ nhiên liệu để bay.

 
Hiện tại mới có hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines khai thác sân bay Điện Biên Phủ với tần suất 2 chuyến/ngày, với loại máy bay ATR72. Nhu cầu khách đi theo đường hàng không lớn, nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải nhận định, việc nâng cấp sân bay sẽ tiếp sức cho Điện Biên phát triển. Các hãng hàng không như: Vietjet Air, Jestar Pacific đang muốn mở đường bay lên Điện Biên, nhưng do sân bay Điện Biên Phủ không thể đáp ứng việc cất, hạ cánh của máy bay A320, A321.

 

Nhiều năm qua, sân bay Điện Biên Phủ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên, giúp cho du khách trong nước và quốc tế đi và đến Điện Biên nhanh, thuận tiện. Ảnh: Tiến Dũng

Để khai thác các loại máy bay lớn, hiện đại, có tầm bay lớn như: A320, A321 trở lên đòi hỏi phải nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ trên cơ sở sân bay hiện nay. Khi đó, khách du lịch sẽ đến Điện Biên từ các nước: Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan… mà không cần qua các sân bay như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... Các hãng hàng không cũng có thể mở đường bay trực tiếp từ các nước khác đến thẳng Điện Biên, tạo điều kiện thu hút khách du lịch. Việc nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ mà không ảnh hưởng đến các di tích lịch sử là điều mà các cơ quan chuyên môn, tư vấn, khảo sát của Bộ Giao thông - Vận tải đang tính đến.

Đầu năm 2016, Bộ Giao thông - Vận tải đã thuê chuyên gia nước ngoài lên khảo sát, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ. Theo ý kiến của các chuyên gia thì sân bay Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo Điện Biên, việc cất hạ cánh các máy bay cỡ lớn sẽ rất khó nếu không thay đổi hướng, mở rộng sân bay. Sân bay hiện tại, các loại máy bay ATR72 muốn hạ cánh đều phải bay vòng quanh lòng chảo 2 vòng để hạ độ cao và khi máy bay cất cánh cũng phải bay 2 vòng để đạt độ cao cần thiết. Nếu nâng cấp theo hướng kéo dài sân bay thì các loại máy bay hiện đại khi cất cánh sẽ vi phạm không phận của nước bạn Lào.

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa đã cho ý kiến sẽ nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ để đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như khai thác các loại tàu bay hiện đại. Theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng thì Cảng Hàng không Điện Biên Phủ sẽ xây dựng đường hạ cất cánh mới theo hướng xoay trục so với đường hạ cất cánh hiện tại 15o về hướng Tây, đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia, xây dựng được phương  thức tiếp cận hạ cánh và kéo dài đường hạ cánh đạt khoảng 2.400m x 45m. Việc điều chỉnh này nhằm giúp sân bay Điện Biên Phủ khai thác các loại máy bay A320, A321 và tương đương trở lên; phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không. Kế hoạch phát triển đội máy bay hiện tại của các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific từ nay đến năm 2030 tập trung vào các loại máy bay A320 trở lên; với kết cấu hạ tầng sân bay Điện Biên Phủ hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu khai thác của các hãng hàng không trong những năm tới.

Việc nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, xây dựng đường băng để đủ cho máy bay A320, A321 cần vốn đầu tư lớn, xây dựng lại sân bay mới hoàn toàn, sân bay Điện Biên Phủ sẽ đóng cửa trên 1 năm để phục vụ xây dựng. Về vốn đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để phê duyệt trong năm 2016 để sớm đầu tư nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ.

Theo ý kiến của đồng chí Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải thì quy hoạch tổng thể Cảng Hàng không Điện Biên Phủ giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, đây là cảng hàng không nội địa có hoạt động bay quốc tế phục vụ chung dân dụng và quân sự. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng do sân bay Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo Điện Biên, địa hình không thể lắp đặt được hệ thống dẫn đường chính xác nên không bay được vào ban đêm. Nếu được đầu tư nâng cấp sân bay mới hiện đại, tỉnh Điện Biên cũng đề nghị các hãng hàng không mở đường bay thẳng các điểm như: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng…

1 năm đóng cửa để phục vụ yêu cầu nâng cấp sân bay, khi hoàn thành đi vào khai thác, sân bay Điện Biên Phủ sẽ là cầu nối giữa các tỉnh vùng Tây Bắc với bạn bè trong và ngoài nước. Một sân bay hiện đại nằm giữa khu du lịch Điện Biên Phủ sẽ tiếp thêm sức mạnh để Điện Biên khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Vinh Duy
Bình luận
Back To Top